Dân Australia chi gần một tỷ đô mỗi năm cho các cuộc tiểu phẫu thẩm mỹ như tiêm botox để xóa nếp nhăn trên gương mặt. Số tiền này chưa tính đến các cuộc đại phẫu như nâng ngực, bơm mông hay tạo mắt hai mí. Tiềm năng của thị trường làm đẹp đã biến Australia thành mảnh đất màu mỡ cho các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui do người Trung Quốc làm chủ mọc lên như nấm, theo Feed.
Ở các thành phố lớn như Melbourne và Sydney tồn tại một thị trường phẫu thuật thẩm mỹ theo kiểu"chợ đen" phát triển mạnh mẽ. Các cơ sở này quảng cáo qua ứng dụng tin nhắn WeChat và thường đặt phòng khám tại các căn hộ chung cư.
Feed theo chân hai nữ phóng viên Trung Quốc Vicky Shu và Lucy Liu đóng giả làm khách hàng có nhu cầu bơm ngực và tạo mắt hai mí để tiếp cận ba cơ sở chui ở thành phố Melbourne.
"Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các phòng khám này đều có tài khoản trên ứng dụng WeChat, ở đó người ta chia sẻ kinh nghiệm và đăng các bình luận tích cực về phòng khám", Vicky nói.
Phòng khám đầu tiên mà hai phóng viên Trung Quốc ghé thăm đặt tại một căn hộ nằm trên tầng 36 ở một chung cư thuộc khu trung tâm Melbourne. Khi vào bên trong, họ gặp một nữ khách hàng đang đợi tiêm botox. Máy quay ẩn ghi được cảnh xi-lanh đã qua sử dụng, băng gạc dính máu và giấy ăn chất đầy trong thùng rác. Trong phòng khách có dây truyền nước qua đường tĩnh mạch, gần đó một con chó cảnh ngồi trên ghế sofa. Và bàn thực hiện tiểu phẫu đặt trong phòng ngủ. Ngoài ra, phóng viên còn thấy nhiều vỏ hộp của các loại thuốc cần có sự kê đơn của bác sĩ. Và đáng chú ý hơn, người phụ nữ nhận làm thủ thuật tạo mí mắt không phải là một bác sĩ có giấy phép hành nghề mà là một thạc sĩ chuyên ngành Kế toán.
Tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui thứ hai, nhân viên lễ tân và "bác sĩ" không ngần ngại tiết lộ rằng họ mua thuốc cũng như các dung dịch như botox và filler từ Hàn Quốc qua đường hành lý xách tay.
"Chúng tôi mua botox từ Hàn Quốc và xách tay vào Australia. Nếu khai báo, hải quan sẽ tịch thu. Chúng tôi chỉ nhập khẩu qua các kênh bất hợp pháp", nhân viên phòng khám nói.
Một số cơ sở thậm chí làm giả giấy tờ hành nghề bác sĩ để hoạt động. Feed và hai nữ phóng viên Trung Quốc đã vạch trần thủ đoạn mạo danh bác sĩ của một người phụ nữ mở phòng khám tại một tòa nhà văn phòng cao cấp ở trung tâm Melbourne. Theo điều tra, người phụ nữ Trung Quốc này nhận làm dịch vụ xóa nếp nhăn, tạo mắt hai mí và bơm ngực. Nhưng khi đối chất trước máy quay, cô này lúng túng thừa nhận mình không phải là bác sĩ.
An Hồng