16h ngày 27/8, từng tốp công nhân rời Công ty TNHH giày da Huê Phong (Gò Vấp, TP HCM) kết thúc ca làm. Lẫn trong đám đông, anh La Chí Cường, 35 tuổi, đi như chạy ra bãi giữ xe. Nổ máy, anh đi thật nhanh về nhà cách công ty chừng 2 km lấy hai túi gồm 10 chai và 20 hũ sữa chua bỏ lên xe.
Quay lại cổng anh cầm hai chai đưa lên cao, nhanh nhảu cất tiếng mời chào: "Công nhân sắp thất nghiệp, anh chị em mua ủng hộ cho ông bố nuôi con". Từ xa, nhóm nữ công nhân cười đáp "tụi em cũng sắp nghỉ rồi anh ơi", nhưng nhiều người tiến tới mua. Hơn 15 phút sau, số hàng của anh vơi đi phân nửa.
Anh Cường gắn bó với Công ty Huê Phong hơn 12 năm. Từ vị trí công nhân bộ phận hoàn thiện giày, sau nhiều năm nỗ lực, anh được đưa lên làm tổ phó với thu nhập 9 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng khi Covid-19 quét qua, anh cũng như bao công nhân khác, thu nhập bị cắt giảm.
Từ đầu tháng 8, công việc của anh Cường chỉ là lau chùi máy móc, dọn dẹp nhà xưởng vì công ty thu hẹp sản xuất. Được tan ca sớm hơn thường lệ, anh tranh thủ bán hàng kiếm thêm. Vợ anh làm cùng công ty nhưng bị thất nghiệp hồi tháng 6. Chị ở nhà làm sữa chua, anh chở đi bán hơn 3 tuần qua.
"Ở công ty đa số công nhân nữ thích ăn món này nên bán được. Nhưng hết tháng 8 này công ty sẽ cắt giảm tiếp lượng lớn công nhân nữa, không biết xe sữa chua này thế nào", anh Cường buồn bã kể ý định nghỉ bán khi công nhân ngừng việc.
Hơn tháng nay, chị bà con, chủ xưởng gia công giày ở Đài Loan liên tục gọi điện mời anh sang làm, thu nhập gấp đôi. Nhưng anh còn ngần ngừ vì lo lắng dịch bệnh còn phức tạp, phần vì không muốn xa vợ và hai con nhỏ. "Đợi khi dịch qua, nhiều đường bay quốc tế mở lại, chắc tôi cũng đi một chuyến", anh Cường nói.
Anh Cường là một trong gần 1.600 lao động của Công ty Huê Phong bị cho nghỉ việc vào ngày 31/8. Ảnh hưởng Covid-19 khiến đối tác ở châu Âu và Mỹ hủy đơn hàng làm cho công ty có quy mô lớn nhất quận Gò Vấp với 4.700 công nhân phải cắt giảm lao động để duy trì hoạt động.
Đến nay Công ty Huê Phong cắt giảm hơn 4.000 lao động. Trước đó vào tháng 5, công ty cho thôi việc 2.222 lao động, tháng 6 giảm 224 lao động. Trong số công nhân mất việc đợt tới đây có 198 nữ đang mang thai, sẽ sinh vào tháng 9, 10 và 11, hoàn cảnh hầu hết khó khăn. Công nhân sẽ bị công ty ngưng toàn bộ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tháng 8.
"Công ty khó khăn nhưng cam kết trả chế độ cho người lao đồng bị cắt giảm. Những công nhân mất việc sẽ được hỗ trợ tìm việc làm mới", ông Phạm Văn Tài, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp nói và cho biết Công ty Huê Phong đã chi 31 tỷ đồng giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động.
Tại quận Thủ Đức - nơi có nhiều công ty dệt may, giày da, thống kê của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, đã có hơn 3.300 lao động bị mất việc do ảnh hưởng của Covid-19. Số công nhân thất nghiệp ở địa phương chưa có dấu hiệu dừng lại khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng và lan rộng ra các tỉnh thành.
"Quận có đến 2/3 dân số là người lao động nhập cư. Chúng tôi đang tìm mọi phương án giải quyết, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn", bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động quận Thủ Đức nói và cho biết trước mắt lao động mất việc được giới thiệu làm tại các nhà hàng, quán ăn... để có thu nhập.
Đánh giá về thực trạng lao động - việc làm, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, khảo sát của Cục Thống kê tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19. Sáu tháng đầu năm thành phố có hơn 327.000 lao động bị mất việc và dự kiến 6 tháng cuối năm có 180.000 lao động của 5.000 doanh nghiệp bị ngừng việc.
"Đây là tình huống xấu nhất trong hai kịch bản mà Sở đưa ra tham mưu cho UBND thành phố phương án ngăn chặn tình trạng lao động mất việc trong 6 tháng cuối năm", ông Tấn nói và cho biết ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, vận tải, du lịch; tiếp đến là da giày, dệt may, sản xuất trang phục, chế biến lương thực, chế biến gỗ...
Về giải pháp, ông Tấn cho biết thành phố đang tìm mọi cách không để doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Bởi nếu điều này xảy ra, số lao động bị sa thải sẽ tăng lên rất nhiều. Song song đó, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động liên quan gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Cụ thể, thành phố đề xuất doanh nghiệp nhận gói hỗ trợ không cần chứng minh tài chính mà chỉ cần báo cáo giảm doanh thu 20-30% trong quý 1 năm nay so với quý 4 năm 2019. Doanh nghiệp có lao động bị ngừng việc, hoãn việc sẽ được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của HĐND TP HCM.
Ngoài ra, người lao động chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đến ngày 23/3 đủ điều kiện nhận hỗ trợ, không phải buộc đóng đến ngày 31/3. Những kiến nghị này giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng tiếp cận với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, giúp họ duy trì cuộc sống trong thời dịch.
Người đứng đầu ngành lao động TP HCM cho biết, Sở kêu gọi doanh nghiệp nên luân phiên, giảm số ngày làm đối với người lao động thay cho chấm dứt, cắt giảm hợp đồng. Người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp như chấp nhận giảm lương, giảm ngày làm trong thời gian xảy ra dịch.
"Hai bên cần có sự chia sẻ bởi khi dịch được khống chế, doanh nghiệp có đơn hàng và nguyên liệu, người lao động sẽ nhanh chóng có việc làm", ông Tấn nói và cho biết thêm đến nay TP HCM đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho hơn 543.000 người thuộc 7 nhóm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Lao động - thương binh và xã hội tham mưu, đề xuất gói hỗ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đợt này sẽ tập trung cho các ngành nghề bị tác động nặng nề như: du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải và dịch vụ liên quan du lịch...
Hà An