Tại Diễn đàn người lao động với Quốc hội chiều 28/6, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), chuyển đến Quốc hội tâm tư của hơn 31.300 lao động trong doanh nghiệp.
Ông cho biết nhiều công nhân ý kiến quyền lợi đang có xu hướng suy giảm. Cụ thể, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu tối đa 75% đã tăng lên khi nam phải đóng 35 năm, nữ 30 năm; mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% tỷ lệ hưởng trong khi trước đây chỉ 1%...
"Sắp tới sửa Luật Bảo hiểm xã hội, đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ để quyền lợi không bị giảm tiếp, giữ vững niềm tin cho lao động, giữ chân họ gắn bó với hệ thống", ông Phúc nói, cho rằng niềm tin của lao động là điều cốt lõi để quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự luật sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 8. Tinh thần là sửa đổi những vấn đề căn cơ theo hướng linh hoạt, đa tầng, tăng quyền lợi cho lao động. "Chính phủ sẽ trình nhiều phương án theo hướng đảm bảo an sinh, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần", ông Dung nói.
Diễn đàn "nóng" dần khi hàng loạt lao động phản ánh quyền lợi đang bị treo vì doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH. Bà Lê Thị Hà, Chủ tịch công đoàn Công ty May Minh Anh (Nghệ An), nói nếu bị nợ bảo hiểm, công nhân sinh con không có thai sản, hết tuổi làm việc không được cầm sổ hưu, chết không có trợ cấp tuất. Nhiều người mất niềm tin, muốn rút BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt. Lao động không có lỗi nhưng lại chịu hậu quả.
"Chẳng lẽ chúng ta lại bất lực trước tình trạng này?", bà Hà băn khoăn.
Chung thắc mắc, chị Lương Thị Tho, công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ (TP Hải Phòng), cho rằng nguyên nhân một phần đến từ bế tắc trong quy định công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng BHXH. Các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo.
Chị Tho đề nghị sửa đổi đồng bộ 4 bộ luật có liên quan vấn đề này, trong đó bỏ quy định Công đoàn khởi kiện phải được người lao động ủy quyền, vì sẽ thêm thủ tục hành chính, thiếu khả thi. "Thay vào đó chỉ cần lao động đề nghị với Công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ", chị góp ý, thêm rằng pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa, đảm bảo quyền cho lao động khi doanh nghiệp phá sản.
Chia sẻ với công nhân, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nói nợ BHXH cũng là vấn đề trăn trở của ngành. Các cấp đã nỗ lực đòi nợ để giảm từ 6% năm 2016 trên tổng số tiền phải thu xuống còn 2,9% năm 2021. Hiện các địa phương đã có bộ phận thu nợ BHXH. Cơ quan này cũng tăng thanh kiểm tra, nhận diện các đơn vị chậm, nợ kéo dài.
"Luật sửa đổi cần có biện pháp mạnh với doanh nghiệp chậm, nợ, trốn đóng như cấm xuất cảnh, ngừng sử dụng hóa đơn với chủ sử dụng lao động", ông Mạnh kiến nghị, thêm rằng trước mắt người lao động có thể kiểm tra tình trạng chậm, đóng nếu có trong ứng dụng VssID.
Diễn đàn người lao động với Quốc hội lần đầu tổ chức với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và công đoàn". Sau hai tuần lấy ý kiến, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận hơn 1.500 kiến nghị trực tiếp từ đoàn viên lao động, chia làm 45 vấn đề liên quan nhà ở xã hội, rút BHXH một lần, quyền lợi hưởng BHXH, tuổi nghỉ hưu, tăng lương tối thiểu...
Cả nước có 16 triệu công nhân, chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động, nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Theo Công đoàn Việt Nam, đóng góp nhiều nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng khi đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng.
Hồng Chiêu - Sơn Hà