Kẹp tập hồ sơ tuyển dụng vào xe máy, vợ chồng Cư Chỉnh Xèng đi hơn 300 km từ Mường Khương (Lào Cai) xuống khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) tìm việc. Lướt qua hàng chục tờ thông tin dán chi chít trên bảng tuyển dụng, Xèng và vợ Giàng Thị Chư dò tìm nội dung "có tăng ca".
Các tờ rơi mô tả công việc, độ tuổi, mức lương cơ bản 5-6 triệu đồng, phụ cấp 800.000 đồng đến một triệu đồng song không có dòng chữ mà họ muốn tìm. Xèng tần ngần ôm chiếc mũ bảo hiểm, tóc bết mồ hôi sau sáu tiếng chạy xe máy vào ngày nắng giữa tháng 2. Anh chụp lại thông tin để về nghiên cứu kỹ hơn.
Ông bố ba con mong tìm việc cho tổng thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng, nhưng mặt bằng chung chỉ khoảng 7 triệu gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp. Xèng nhẩm tính thu nhập hai vợ chồng công nhân chỉ vừa đủ tiền trọ, ăn uống, nuôi ba đứa con, không có tiết kiệm.
Xèng, Chư từng làm công nhân điện tử ở Hải Phòng, quyết định nghỉ việc trước Tết Nguyên đán vì nhà máy giảm giờ làm khiến tổng thu nhập mỗi tháng tụt xuống 6 triệu đồng. 12 triệu đồng cuối cùng họ nhận được để về Lào Cai ăn Tết nay đã cạn nên quyết định xuống Thủ đô tìm việc.
Vợ chồng Lan Anh (26 tuổi, quê Nghệ An) cũng chăm chú đọc thông tin tuyển dụng trên các bảng tin. Rời quê nhà cách hơn 400 cây số ra Thủ đô tìm việc, họ ngược xuôi khắp khu công nghiệp ba ngày qua nhưng chưa chốt được việc ưng ý.
Vợ chồng Lan Anh từng làm công nhân thời vụ trong nhà máy linh kiện điện tử với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng. Cuối năm ngoái, nhà máy chấm dứt hợp đồng và không ký tiếp khiến hai người phải về quê ăn Tết sớm một tháng. Không muốn vào miền Nam vì quá xa xôi, họ chọn ra Hà Nội, hy vọng tìm việc "thu nhập ổn, có tăng ca và được đóng bảo hiểm xã hội". Cặp vợ chồng chọn thuê một phòng trọ ở Võng La (Đông Anh) để dễ tìm kiếm việc làm.
"Không nơi nào tăng ca, lương cơ bản lẫn phụ cấp tương đương nhau, chỉ hơn 7 triệu đồng", Lan Anh lắc đầu chán nản, nói sẽ chọn tạm một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử để làm việc rồi tính sau.
Theo thống kê của Viện Công nhân Công đoàn, giờ làm việc bình quân của công nhân giảm từ 8 tiếng xuống còn 7,25 tiếng mỗi ngày, không còn tăng ca khi các doanh nghiệp bị cắt đơn hàng.
Tổng cộng trước và sau Tết, hơn 910.000 lao động bị ảnh hưởng, gồm giảm giờ làm, mất việc, tạm hoãn hợp đồng. Thu nhập của công nhân cuối năm 2022 giảm còn 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng mỗi tháng như thống kê quý III. Nếu mất việc, 11,7% công nhân có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng.
Dù dự báo khó khăn về đơn hàng, việc làm sẽ kéo dài đến hết quý II/2023, song khảo sát nhu cầu tuyển dụng đầu năm ở phía Bắc cho thấy doanh nghiệp cần tuyển hơn 54.000 lao động phổ thông, phần lớn là công nhân sản xuất.
"Với công nhân phổ thông, tăng ca là cách duy nhất để họ có thêm thu nhập khi mặt bằng chung thị trường trả khoảng 7-8 triệu mỗi tháng và khó cao hơn", bà Hoài Anh, phụ trách tuyển dụng một công ty phụ tùng ôtô trong khu công nghiệp Thăng Long nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh eo hẹp đơn hàng hiện nay, nhiều công ty chỉ duy trì làm việc 8 tiếng mỗi ngày và hầu như không tăng ca. Nhu cầu của hai bên "đôi lúc không gặp nhau" khiến doanh nghiệp muốn tuyển nhưng khó tìm người phù hợp và công nhân cần việc nhưng lại chật vật đi tìm.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, cho biết những năm trước, thị trường lao động đầu năm thường có biến động lớn ở hầu hết phân khúc vì nhiều người sẵn sàng nghỉ việc để tìm đến nơi có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay công nhân lâu năm hoặc đang có chỗ làm cố định sẽ ưu tiên duy trì thu nhập hơn là nhảy việc.
"Lao động phổ thông muốn thu nhập cao hơn mặt bằng chung thì ngoài tăng ca cần có thâm niên và tay nghề cao", ông Thành nói.
Hồng Chiêu