Tan ca, nam công nhân Lê Đặng Quỳnh Anh, gần 19 năm làm việc ở nhà máy sữa Dielac, vội chạy về thẳng nhà cách KCN Biên Hòa 1 tầm 10 km để phụ giúp gia đình. Vợ chồng ông có ba người con, đứa lớn 14 tuổi mắc hội chứng Down, hai bé sau lần lượt 12 và 5 tuổi, đang theo học gần nhà.
Từ lúc sinh con đầu, vợ ông phải nghỉ việc. Mức lương gần 20 triệu đồng mỗi tháng của ông ở nhà máy Dielac là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. "Tôi chưa từng nghĩ đến một ngày mất việc", người cha của ba con nhỏ nói.
Ông Quỳnh Anh có trình độ đại học, chuyên ngành công nghệ hóa thực phẩm, hiện làm ở bộ phận rót bột sữa vào lon. Những ngày qua, khi nghe tin KCN Biên Hòa 1 chuyển đổi thành dự án đô thị thương mại, nam công nhân không khỏi lo lắng. "Tôi không thể đi theo nếu nhà máy chuyển đi quá xa vì còn phụ vợ con. Trường hợp ở lại cũng khó kiếm được việc nào lương ổn định 20 triệu nuôi cả nhà", nam công nhân 44 tuổi nói.
KCN Biên Hòa 1 rộng 324 ha, được thành lập năm 1963, tên gọi ban đầu là Khu kỹ nghệ Biên Hòa, được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên sau hơn 60 năm hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai. Chính quyền tỉnh thông qua đề án chuyển đổi nơi đây thành khu đô thị thương mại sau khi Chính phủ chấp nhận.
Ông Phan Văn Giang, 54 tuổi, nhân viên giám sát camera của một nhà máy thực phẩm hoạt động ở KCN Biên Hòa 1 từ năm 1976, nói việc di dời thời điểm này không chỉ vợ chồng ông dở dang mà hai con cũng sẽ gặp khó.
Vợ chồng làm cùng công ty, tổng thu nhập hơn 25 triệu đồng mỗi tháng, đủ nuôi con trai lớn theo đại học, con gái lớp 10 và mẹ già. "Tôi không dám nghĩ đến cảnh cả hai vợ chồng mất việc", ông Giang nói. Trường hợp nhà máy phải rời đi, ông sẽ là người đi theo để "cố giữ một suất lương". Vợ ông, 52 tuổi, công nhân khâu đóng túi, phải nghỉ hẳn bởi khó tìm được việc mới.
"Gia đình sẽ vất vả hơn vì tôi phải đi xa. Thu nhập của gia đình giảm một nửa. Một mình vợ phải lo việc nhà, chăm mẹ già", ông Giang nói.
Công ty ông Giang có 283 lao động, 70% sống ở Biên Hòa. Độ tuổi bình quân 45,5, trong đó trên 50 tuổi gần 100 người. Lãnh đạo nhà máy cho rằng nếu phải rời đi công nhân trực tiếp sản xuất, lớn tuổi, gắn bó lâu năm với công việc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Lao động đã ổn định cuộc sống ở Biên Hòa với nhà cửa, con cái học hành. Do đó, nếu nhà máy chuyển đi xa, họ không thể đưa cả nhà đi cùng. Công nhân lâu năm được tăng lương theo thâm niên, thu nhập sau 15-20 năm làm việc đủ để nuôi được gia đình, con cái học hành. Trường hợp ở lại Biên Hòa tìm được việc với lương khởi điểm của công nhân mới "sẽ rất khó sống".
Công nhân của nhà máy sẽ rơi vào cảnh dở dang khi KCN Biên Hòa 1 chuyển đổi cũng là lo lắng của ông Phạm Cao Thanh Triều, Phó giám đốc Xí nghiệp Cao su Đồng Nai. Xưởng sản xuất phải di dời có 265 lao động, 90% có nhà ở Biên Hòa và khu vực lân cận. Công nhân nam chiếm số đông, độ tuổi 35-45.
Theo ông Triều, ở độ tuổi này lao động cần việc làm, thu nhập ổn định để nuôi con. Ngoài ra, họ chín về nghề, đảm bảo được năng suất tốt nhất. Tuy nhiên, nếu thất nghiệp tuổi ngoài 40 lại rất khó tìm việc mới. Các nhà máy tuyển công nhân sản xuất cần trẻ, khỏe, chi phí thấp và sử dụng được lâu dài.
Ông Lương Thanh Lộc, 48 tuổi, công nhân Xí nghiệp cao su Đồng Nai, nói mong được an tâm làm việc đến hưu. Do đó, khi nghe tin các nhà máy ở KCN Biên Hòa 1 phải di dời ông không khỏi lo lắng. Hơn 28 năm làm công đoạn ép suất cao su tạo mặt lốp xe, ông chưa biết sẽ làm gì nếu rời nhà máy.
Nam công nhân từng tốt nghiệp trung cấp sửa chữa ôtô nhưng gần 30 năm không dùng đến. Công việc ở xí nghiệp lốp lại đặc thù. Vì vậy nếu nghỉ việc, ông chấp nhận trở thành lao động phổ thông. Ở tuổi 50 năm cơ hội quay lại nhà máy "gần như bằng 0". Ông dự tính, nếu may mắn có công ty nhận lương khởi điểm khoảng 6 triệu đồng, bằng một nửa hiện tại nên không thể lo được cho con cái. Áp lực chi tiêu sẽ đè lên vợ, vốn là một công nhân may.
Khó khăn lao động sẽ gặp phải cũng được đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 đề cập. Số lao động bị ảnh hưởng lên đến 21.000 người, làm việc tại 76 doanh nghiệp. Theo chính quyền Đồng Nai, KCN hình thành từ lâu nên phần lớn người lao động gắn bó ở đây nhiều năm, đang có cuộc sống ổn định tại TP Biên Hòa hoặc địa phương xung quanh.
Do đó, khi doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới (thường xa KCN Biên Hòa 1), đa số người lao động không thể đi theo, vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở... Trong trường hợp nghỉ việc, lao động cũng khó tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi. UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến chi khoảng 1.270 tỷ đồng hỗ trợ đời sống người lao động, ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Từng phải rời khỏi KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP HCM) khi doanh nghiệp đang sản xuất ổn định, ông Đoàn Sỹ Lợi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Trường Lợi, nói rằng nhà xưởng, máy móc phải bán phế liệu vì không thể mang theo. Nhà máy chuyển về Bình Dương, cách tầm 10 km nhưng chỉ 30% công nhân đi cùng. Lao động thâm niên, có tay nghề lại vướng con cái học hành ở TP HCM nên nghỉ. Một số về quê, rút bảo hiểm, trở thành lao động tự do. Doanh nghiệp mất nhiều năm mới tuyển đủ công nhân.
Theo ông Lợi, trường hợp doanh nghiệp rời đi sẽ chi trả các khoản trợ cấp theo quy định cho lao động. Điều này chỉ giải quyết được một số vấn đề trước mắt, về lâu dài địa phương cần hỗ trợ để họ tìm được công việc mới với thu nhập tốt, đảm bảo cuộc sống không bị xáo trộn nhiều.
Lê Tuyết