Theo báo cáo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố gần đây, việc giá dầu giữ ở mức thấp có thể cuốn phăng 360 tỷ USD ngay trong năm nay khỏi khu vực Trung Đông, bao gồm nhiều thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như Arab Saudi, Oman và Bahrain.
Thặng dư ngân sách khổng lồ đang nhanh chóng biến thành thâm hụt lớn tại các nước trên, khi giá dầu lao dốc từ mức 100 USD một thùng hồi năm ngoái, xuống 45 USD hiện nay. Giá dầu sụt giảm và giữ ở mức thấp khiến một số nước Trung Đông, trong đó có Arab Saudi, phải sử dụng các quỹ dự trữ để bình ổn tình hình, và đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Nhưng Arab Saudi và các quốc gia thành viên OPEC vẫn quyết không tăng giá dầu để khôi phục nguồn thu, tránh nguy cơ thâm hụt nghiêm trọng. Theo các chuyên gia phân tích, động thái "cố chấp" này của Arab Saudi, ngoài các động cơ kinh tế, còn tiềm ẩn những yếu tố về chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.
Trong bài viết trên tờ National Interest hôm 13/10, ông Jonathan Schanzer, cựu chuyên gia phân tích khủng bố của Bộ Tài chính Mỹ, nhận định việc Arab Saudi đến nay không giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức thấp là hành động làm suy yếu Iran, nước được coi là đối thủ chính của Saudi ở Trung Đông, và là quốc gia có sự hậu thuẫn rất lớn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo IMF, Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cần duy trì giá dầu ở mức 106 USD/thùng để đảm bảo cân đối ngân sách. Quốc gia này hầu như không có khoảng đệm tài khóa đủ mạnh để trụ vững trong vòng 5 năm tới, nếu giá dầu tiếp tục ở dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Trước nguy cơ đó, Arab Saudi vẫn kiên quyết từ chối giảm bớt tình trạng dư cung trên thị trường để nâng giá dầu, đặc biệt là từ năm 2014, khi có dấu hiệu ngày càng rõ cho thấy Moscow và Tehran quyết định cùng hỗ trợ chính quyền Assad tại Syria.
Theo ông Schanzer, quyết định này của Arab Saudi đã khiến cả Nga và Iran chịu hậu quả, bởi cân đối ngân sách của hai nước này lần lượt được hoạch định ở mức giá dầu 80 - 90USD và 72 USD một thùng. Khi giá dầu xuống thấp hơn những mức này trong thời gian dài, cân đối ngân sách của Nga và Iran có thể bị phá vỡ.
Một nhà ngoại giao Saudi từng tuyên bố về chiến lược kinh tế này: "Nếu dầu mỏ có thể giúp đem hòa bình đến Syria, tôi không thấy có lí do gì Arab Saudi lại rút lui trong việc cố gắng giành được một thỏa thuận".
Chính bởi vậy, việc quân đội Nga can thiệp quân sự vào Syria để bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad đã khiến Arab Saudi tức giận, theo Schanzer.
"Arab Saudi luôn là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các cuộc không kích của Nga, và có dấu hiệu cho thấy vương quốc này đã sẵn sàng tăng mạnh hỗ trợ tài chính và vũ khí cho lực lượng đối lập chống Assad", Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại quỹ đầu từ RBC Capital Markets, Canada nhận định trong một báo cáo đánh giá gửi nhà đầu tư hồi tháng này.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 25/10, Arab Saudi và Mỹ đã ra tuyên bố chung tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho phe đối lập tại Syria. Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc hội đàm với Nhà vua Salman của nước chủ nhà tại Riyadh.
Sự hậu thuẫn của Mỹ và Saudi cho phe đối lập và lực lượng vũ trang Hồi giáo tại Afghanistan ba thập kỷ trước từng khiến Hồng quân Liên Xô phải rút khỏi nước này sau một cuộc chiến kéo dài làm hao tổn nhiều tài lực và sinh mạng.
Nhưng hành động can thiệp này cũng sẽ khiến Arab Saudi phải trả giá. "Xung đột leo thang có thể khiến Nga và các quan chức OPEC khó đạt được đồng thuận về cắt giảm sản lượng dầu trong tương lai gần", bà Croft viết. Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria nhiều khả năng sẽ buộc các quốc gia bảo trợ khác - đặc biệt là các nước sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh - gia tăng can thiệp ở Syria, và sẽ "gây thêm sức ép lên ngân sách vốn đã khó khăn của họ", bà viết.
Syria có thể là mặt trận thứ hai ngày càng tốn kém, trong bối cảnh tình hình tài khóa ngày một căng thẳng, và chiến dịch không kích của Arab Saudi tại Yemen đã kéo dài qua tháng thứ 6.
Sau nhiều năm thặng dư ngân sách không lồ, thâm hụt cán cân vãng lai của nước này trong năm nay dự kiến tăng vọt lên mức gần 20% GDP, Capital Economics dự báo. Arab Saudi có khoản ngân sách dự trữ lên tới gần 700 tỷ USD, nhưng con số này đang giảm nhanh.
Đây được coi là lý do Arab Saudi đang phải có những biện pháp tài chính ứng phó khẩn cấp. Quốc gia này không chỉ phải đi vay 4 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu trong năm nay, mà ngân hàng trung ương Arab Saudi cũng đã rút về 70 tỷ USD từ các công ty quản lý quỹ như BlackRock chỉ trong vòng 6 tháng qua.
Cái khó với chính phủ Arab Saudi, theo các chuyên gia, là họ không thể tăng thuế mà phải cắt giảm chi tiêu. Riêng các chi tiêu cho an sinh xã hội và quốc phòng có lẽ sẽ được giữ nguyên, do các nhà lãnh đạo lo ngại việc cắt giảm sẽ khơi mào cho một cuộc nổi dậy tương tự Mùa xuân Arab năm 2011.
"Trong môi trường an ninh khu vực và trong nước bất ổn, việc cắt giảm chi tiêu nhắm vào các cam kết xã hội có vẻ là canh bạc chính trị", Henry Smith, phó giám đốc hãng tư vấn Control Risks tại Dubai nhận định. Dù vậy, chuyên gia này cho biết các dự án chi tiêu lớn của chính phủ đang đối diện với nguy cơ bị cắt giảm.
"Một số những lĩnh vực ít cấp bách hơn về mặt kinh tế đang âm thầm bị loại trừ", ông Smith tiết lộ với CNN. "Các nhà xuất khẩu dầu cần điều chỉnh chi tiêu và chính sách thu ngân sách để đảm bảo sự bền vững về mặt tài khóa", báo cáo của IMF nhấn mạnh.
Hoàng Nguyên