Nạn nhân có tên Lam Cheng Siew, khi đó 31 tuổi. Lam bị tấn công vào khoảng 12h30 ngày 24/10/1969, khi đang đi cùng 4 người bạn gần ngã ba giao giữa đường Bras Basah và North Bridge. Xe của họ bị một nhóm có vũ trang chia thành hai xe phục kích. Lam bị đâm nhiều nhát, thi thể vứt trong cống thoát gần đó.
Cuộc phục kích được cho là xuất phát từ bất đồng giữa hai băng đảng, khiến các thành viên hai bên tàn sát nhau, trở thành một trong những vụ giết người băng đảng nổi tiếng nhất Singapore. Tan Tong Meng, hay còn được biết đến với tên Roland Tan hoặc "Lão Đại", nằm trong số những nghi phạm của vụ án.
Trước khi vụ án xảy ra, Lionel de Souza, cựu thám tử từng làm việc 10 năm trong Đội Điều tra Đặc biệt của Singapore và theo dõi "thế giới ngầm", đã bắt Tan một lần vì tham gia các hoạt động bất chính trong những năm 1960. "Lão Đại" phụ trách thu tiền bảo kê ở khu vực đường Bras Basah, Purvis và Middle, tàn bạo đến mức ngay cả những tên xã hội đen khác cũng phải e dè.
Vào thời điểm đó, "Lão Đại" là nghi phạm giết người bị truy nã gắt gao nhất Singapore, với số tiền thưởng lên tới 2.000 USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt và kết án ông ta. Tuy nhiên, "Lão Đại" trốn được sang Malaysia, sau đó tới Amsterdam, Hà Lan, nhờ sự trợ giúp của băng đảng See Tong.
Tại Amsterdam, trung tâm phân phối heroin toàn cầu lúc đó, "Lão Đại" thành lập băng đảng Ah Kong với mục tiêu thâu tóm thị trường béo bở này. Để thiết lập quyền kiểm soát và xây dựng "đế chế ma túy" riêng, ông ta cùng đồng bọn giết thành viên từ những băng đảng khác như 14K và Wo Shing Wo của Hong Kong. Dù yếu thế hơn về số người và vũ khí, Ah Kong lại khét tiếng về độ "máu lạnh".
Băng đảng này được tổ chức và vận hành như một công ty, với hệ thống phân cấp rõ ràng. Đến năm 1976, chúng đã đẩy thành công các băng đảng khác từ Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan khỏi Hà Lan, trở thành tổ chức "máu mặt" tại châu Âu, buôn lậu heroin tinh khiết khắp thế giới.
Bất chấp việc hoạt động trên quy mô lớn, Ah Kong được kể lại rằng không bao giờ cho phép các thành viên dùng ma túy, dường như bởi lo ngại tình trạng nghiện ngập sẽ dẫn tới hành vi ăn cắp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Ah Kong bị triệt phá trong một chiến dịch chống ma túy quốc tế hồi năm 1978. Nhiều thành viên chủ chốt bị bắt và số lượng lớn heroin cũng bị tịch thu. Tuy nhiên, "Lão Đại" thoát được cuộc truy quét này và trốn sang Copenhagen. Ông ta kết hôn với một phụ nữ tại đây và được nhập tịch Đan Mạch, sau đó mở nhà hàng có tên Bali, nơi xã hội đen thường lui tới.
Năm 2009, ngay trước bữa tiệc sinh nhật được tổ chức trong nhà hàng của mình, "Lão Đại" bị một vệ sĩ bắn vào vai. Dù chưa rõ động cơ tấn công là gì, một số báo cáo cho biết ông ta và vệ sĩ này đã cãi vã trước vụ nổ súng. Ông ta cuối cùng đóng cửa nhà hàng rồi chuyển tới sống tại Campuchia, nhưng lại trở về Copenhagen hồi năm ngoái.
Sau hơn 50 năm trốn chạy, ông ta qua đời hôm 4/4 ở tuổi 72, tờ Ekstra Bladet của Đan Mạch đưa tin. Robin Ungermann, con trai đỡ đầu của "Lão Đại", cho biết ông ta lên cơn đau tim và ngã gục trong bữa tiệc tối tại gia. Xe cứu thương được gọi ngay lập tức, nhưng đã quá muộn. Một phát ngôn viên cảnh sát Singapore cho hay họ đã xóa trạng thái truy nã đối với "Lão Đại" sau khi cái chết được xác nhận.
Tờ Ekstra Bladet cho biết khoảng 100 người hôm 24/4 tới dự đám tang của "Lão Đại" tại nhà nguyện ở thành phố Frederiksberg, bao gồm vài người từng bị kết án và cả cảnh sát. Tang lễ còn được phát trực tiếp trên Facebook cho một nhóm kín gồm bạn bè, gia đình và các thành viên băng đảng ở Singapore, bởi họ không thể tới tận nơi do Covid-19.
Những lời chia buồn cũng được để lại bên dưới bài đăng thông báo cái chết của ông trùm ma túy trên Facebook. Họ gọi ông ta là "Bác Roland", "người anh em". Một người Singapore gửi lời cảm ơn "Lão Đại" vì đã giúp đỡ gia đình ông khi họ "còn trẻ và vô cùng khó khăn".
"Các thành viên băng đảng tự gọi nhau là anh em ruột thịt và tôn sùng Tan. Khi vướng phải rắc rối hoặc nợ tiền, họ sẽ tìm tới Tan. Ông ta sẽ đưa họ tiền để trả nợ", cựu thám tử Souza cho hay.
Cái chết của một trong những tên tội phạm khét tiếng nhất Singapore gợi lại một thời quốc đảo bị các băng đảng liên quan đến mại dâm, buôn người và ma túy hoành hành. Chúng vẫn tồn tại sau thời thuộc địa Anh, nhưng chiến dịch truy quét vào những năm 1990 đã giúp xóa bỏ hình thức phạm tội có tổ chức tại Singapore, đất nước được coi là một trong những nơi an toàn nhất thế giới hiện nay, thậm chí nhiều người trẻ chưa từng biết về quá khứ này.
Bất chấp sự căm ghét với tội phạm tại Singapore, nơi những kẻ buôn bán ma túy phải đối mặt án tử hình, vẫn có người ủng hộ tham vọng trên phạm vi toàn cầu của "Lão Đại". Một số tội phạm trẻ tuổi tỏ ra tôn sùng các băng đảng hùng mạnh trước đây, theo một nghiên cứu năm 2015.
Tuy nhiên, cựu thám tử Souza cho rằng không nên tôn vinh xã hội đen. "Tốt nhất là nên xóa bỏ những điều tồi tệ như vậy", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, Straits Times, Mothership)