Theo Wall Street Journal, Nhật hôm nay tránh bình luận công khai về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo.
Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Nhật đứng ngoài tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, trong đó có liên quan đến các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam. Ông Vương bày tỏ "băn khoăn" Nhật có liên quan gì ở Biển Đông, khi nói với các phóng viên.
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn giữ vấn đề chỉ là giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, trong khi Nhật và Mỹ muốn tìm cách kêu gọi sự tham gia của các nước khác trong khu vực để phản đối hành động xây đảo nhân tạo.
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida hôm nay đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Giới chức Nhật từ chối hé lộ chi tiết cuộc đối thoại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chiều nay vừa bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài hai giờ, trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các cường quốc Đông Á suốt hơn ba năm qua.
Cuộc họp được tổ chức thường niên từ năm 2008 tới 2012, nhưng bị đình chỉ trong những năm gần đây khi vấn đề về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ làm căng thẳng quen hệ giữa ba nước.
Những hội nghị thượng đỉnh trước có xu hướng tập trung vào các vấn đề ít gây tranh cãi hơn, như phát triển kinh tế và năng lượng, nhằm xây dựng lòng tin.
Trung Quốc tiếp tục cử Thủ tướng Lý thay vì Chủ tịch Tập Cận Bình tới sự kiện, tương tự các hội nghị trước. Ông Lý được xem là người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế, còn ông Tập xử lý các vấn đề an ninh.
Bà Park, người chủ trì diễn đàn năm nay, muốn tránh gây thù địch với Trung Quốc, một chủ thể quan trọng trong việc duy trì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Ba lãnh đạo dự kiến ra thông cáo chung vào cuối hội nghị thượng đỉnh. Sự kiện này có thể thảo luận về hợp tác ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Cuộc họp diễn ra chỉ một tuần sau khi Hải quân Mỹ cử một tàu khu trục tới đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là thông điệp rõ ràng nhất từ trước đến nay của Mỹ tới Bắc Kinh, thể hiện rằng Washington không công nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc dựa trên các thực thể nhân tạo nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Tự do đi lại trên Biển Đông cũng có ý nghĩa then chốt với Nhật, vốn dựa vào vùng biển này để giao thương với Đông Nam Á và vận chuyển dầu từ Trung Đông. Nhật cũng quan ngại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, nếu không bị ngăn chặn, có thể lan ra biển Hoa Đông, nơi hai nước cũng đang có tranh chấp với chuỗi đảo do Nhật quản lý, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trọng Giáp