Theo nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, phiên xét xử đầu tiên tại tòa án quận ở Tokyo có 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI), gồm cựu Chủ tịch Masayoshi Taga, cựu Giám đốc điều hành Kunio Takasu, cựu Tổng giám đốc Haruo Sakashita và ông Tsuneo Sakano, từng là trưởng văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội. 4 nhân vật này, tuổi đời từ 59 đến 65, bị buộc tội vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có điều nghiêm cấm hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài. Cả 4 người đều thừa nhận mình phạm tội.
Các công tố viên trước đó đã buộc tội PCI phóng đại chi phí cho các dự án ODA. Tổng số tiền hối lộ được cho là 2,43 triệu USD.
Trong ngày xử đầu tiên (11/11), các công tố viên cho biết PCI thừa nhận từng đưa cho một cán bộ có liên quan đến việc giám sát các công trình xây dựng ở TP HCM 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng. Tại phiên tòa ngày 11/11, các công tố viên cũng đọc tuyên bố của cựu chủ tịch PCI thừa nhận ngoài vụ việc ở TP HCM, đã nhiều lần đưa hối lộ quan chức ở các nước khác.
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay về thông tin mới liên quan đến vụ án PCI hối lộ quan chức ở TP HCM, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Dũng cho biết các cơ quan của Việt Nam đang trong quá trình điều tra vụ việc và sẽ thông báo với phía Nhật Bản ngay khi có kết quả.
Ủy ban hỗn hợp Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phòng chống tham nhũng ở các dự án thực hiện bởi nguồn vốn ODA đã được thành lập từ cuối tháng 9 và họp phiên đầu tiên hôm 7/11. Theo ông Lê Dũng, vụ án PCI không được nêu ra tại phiên họp này, song hai bên bàn bạc về những biện pháp giám sát khâu đấu thầu tham gia các dự án sử dụng ODA Nhật Bản sao cho hiệu quả, minh bạch. Phía Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xử lý và ngăn ngừa tham nhũng trong quá trình triển khai dự án.
Trong phiên chất vấn trực tiếp sáng nay tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị Thủ tướng cho biết tiến độ, kết quả phối hợp của Việt Nam và Nhật Bản trong việc điều tra cáo buộc đưa và nhận hối lộ liên quan đến cán bộ Việt Nam và quan chức Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (PCI).
Thủ tướng cho biết, ngay sau khi báo chí Nhật Bản loan tin, ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ, đề nghị phía bạn chuyển hồ sơ để Việt Nam xử lý, không thể để công dân Việt Nam bị cơ quan tư pháp nước khác điều tra. Sau thời gian dài, phía Nhật Bản mới gửi hồ sơ, nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý. "Tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, làm rõ tới đâu xử lý tới đó. Để đấu tranh chống tiêu cực trong sử dụng vốn ODA, ta và Nhật đã lập ủy ban phối hợp", Thủ tướng cho biết.
Kỳ Duyên