Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm nay tổ chức một sự kiện không mở cửa cho truyền thông để tạm biệt Thủ tướng Đức Angela Merkel sau hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở Brussels. Đây là hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng trong sự nghiệp của Merkel.
"Bà là một tượng đài", Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, phát biểu trong lễ tạm biệt Merkel, theo một quan chức dự sự kiện. "Một hội nghị thượng đỉnh EU không có Angela cũng giống như Rome không có Vatican hay Paris thiếu vắng tháp Eiffel".
Trong sự nghiệp chính trị của mình, Merkel đã tham dự 107 hội nghị thượng EU và chứng kiến một số biến động lớn nhất trong lịch sử của khối thời gian qua, bao gồm khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro, dòng người tị nạn Syria, Brexit và thành lập quỹ khắc phục đại dịch Covid-19.
"Bà ấy là người thực sự để lại dấu ấn ở châu Âu trong 16 năm qua, giúp tất cả 27 quốc gia chúng tôi đưa ra những quyết định đúng đắn và rất nhân văn vào thời điểm khó khăn", Thủ tướng Bỉ Alexandre De Croo cho biết.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel gọi Merkel là "cỗ máy thỏa hiệp" và là người "thường tìm ra điều gì đó để đoàn kết chúng tôi" thông qua một số cuộc đàm phán kéo dài trong khối. "Châu Âu sẽ nhớ bà ấy", Bettel nói.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda gọi Merkel là "một chính trị gia vĩ đại", bày tỏ hy vọng bà tiếp tục tham gia chính trường theo cách này hoặc cách khác.
Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng mà Merkel tham dự diễn ra ngày 21-22/10 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Thủ tướng Merkel một lần nữa dùng các kỹ năng quyền lực mềm để giảm bớt căng thẳng giữa EU và Ba Lan khi quốc gia Đông Âu từ chối trật tự pháp lý của khối, động thái có thể thành mối đe dọa hiện hữu tiếp theo đối với liên minh.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bảo vệ phán quyết ngày 7/10 của Tòa án Hiến pháp nước này rằng luật của EU chỉ áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể và hạn chế, trong khi luật của Ba Lan bao trùm tất cả.
Với sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Merkel dành phần lớn ảnh hưởng chính trị của mình để thúc đẩy đối thoại với Ba Lan, đồng thời cảnh báo nguy cơ về "dòng thác tranh cãi pháp lý" nếu vấn đề này được đưa ra trước Tòa án Công lý châu Âu.
Thông điệp của Merkel được Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia như Bỉ cùng Hà Lan đón nhận, khi họ chỉ trích Ba Lan làm mất đi các chuẩn mực dân chủ bằng việc loại bỏ tính độc lập tư pháp trong các tòa án quốc gia.
Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Merkel, các lãnh đạo EU ngày 21/10 tập hợp chụp ảnh chung cùng bà. Merkel đứng ở hàng thứ hai, mặc áo khoác sáng màu và nổi bật giữa những quan chức mặc vest tối màu.
Đức đang trong quá trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử tháng 9. Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Merkel đã thua trong cuộc bầu cử này. Bà nhiều khả năng sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay, khi đảng SPD chiến thắng trong cuộc bầu cử thành lập được liên minh cầm quyền.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)