Hình ảnh do AFP công bố cho thấy lãnh đạo Đức, Pháp và Italy, ba nước lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đang trao đổi với nhau trong khoang một chuyến tàu khởi hành từ Ba Lan đêm qua. Đây là chuyến đi đầu tiên của ba lãnh đạo này tới Ukraine từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2.
Các lãnh đạo sau đó xuống tàu tại sân ga ở thủ đô Ukraine. Khi được một nhà báo hỏi lý do đến thăm Kiev, Tổng thống Macron trả lời: "Vì thông điệp về sự đoàn kết của châu Âu".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức cam kết ủng hộ lâu dài cho Ukraine. "Chúng tôi không chỉ muốn thể hiện đoàn kết mà còn đảm bảo rằng sự hỗ trợ về tài chính, nhân đạo và vũ khí sẽ được tiếp tục đến chừng nào còn cần thiết cho cuộc chiến của Ukraine", ông Scholz nói.
Ba lãnh đạo dự kiến gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong hôm nay.
Chuyến đi, được giữ bí mật trước đó vì lý do an ninh, diễn ra một ngày trước khi Ủy ban châu Âu đưa ra khuyến nghị về tư cách ứng viên EU của Ukraine. Hiện cả Đức, Pháp và Italy đều ủng hộ Ukraine trở thành thành viên của khối.
Phát biểu tại Romania hôm 15/6, ông Macron cho biết đã đến lúc châu Âu phải trấn an Ukraine về nguyện vọng gia nhập EU.
"Chúng ta đang ở thời điểm cần gửi những tín hiệu chính trị rõ ràng đối với Ukraine và người dân của họ, khi nước này đang kháng cự một cách anh dũng", Tổng thống Pháp cho hay.
Chuyến thăm Kiev diễn ra sau khi lãnh đạo Đức, Pháp, Italy bị Ukraine chỉ trích vì từ chối đến thăm nước này. Tổng thống Zelensky tuần trước phản ứng gay gắt với Tổng thống Pháp vì bình luận "không được làm bẽ mặt Nga".
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều lãnh đạo châu Âu và các tổ chức quốc tế đã đi tàu tới Kiev để bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ nước này. Phương Tây cũng đang tăng cường viện trợ các loại vũ khí hạng nặng giúp Ukraine kháng cự đà tiến công của lực lượng Nga.
Hồi tháng 4, các lãnh đạo Anh, Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia đến thăm Kiev bằng tàu. Các chuyến đi diễn ra hơn 10 ngày sau khi Nga tuyên bố rút lực lượng khỏi ngoại ô Kiev.
Chuyến thăm của lãnh đạo Đức, Pháp, Italy diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã chuyển trọng tâm vào vùng Donbass ở miền đông Ukraine, nơi có điều kiện tác chiến phù hợp để Nga phát huy ưu thế áp đảo hỏa lực bằng vũ khí hạng nặng. Lực lượng Nga đang kiểm soát phần lớn thành phố Severodonetsk, một trong những chốt chặn cuối cùng của lực lượng Ukraine ở tỉnh Lugansk.
Nếu chiếm được Severodonetsk và Lysychansk, Nga sẽ kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, từ đó tạo bàn đạp tiến sang Sloviansk và Kramatorsk, thành phố thuộc tỉnh Donetsk. Đây sẽ là những mục tiêu cuối cùng để Nga hoàn thành mục tiêu "giải phóng" vùng Donbass ở đông Ukraine.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian)