Theo Nghị định 141 do Chính phủ vừa ban hành, tổng giám đốc của các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập sẽ được hưởng hệ số lương 8,5-8,8 thay vì mức 8,2-8,5 như hiện nay.
Vụ trưởng Vụ tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) Phạm Minh Huân cho biết hệ số 8,8 tương đương với mức lương 4 triệu đồng đối với vị trí tổng giám đốc tập đoàn kinh tế chỉ là con số đưa ra để tính bảo hiểm xã hội hay xét thi đua khen thưởng chứ không phải là lương theo nghĩa tổng thu nhập.
![]() |
CEO doanh nghiệp Nhà nước cũng cần được ghi nhận xứng đáng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Huân nhấn mạnh, dù là doanh nghiệp Nhà nước hay bất kể công ty tư nhân nào thì lương lãnh đạo cũng luôn gắn liền với hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do vậy, không thể đưa ra một hệ số chính xác để tính thu nhập của một vị trí tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị, bởi nó phụ thuộc vào vai trò, trách nhiệm đối với công việc của người đó đang làm.
"Mức 4 triệu đồng/tháng có khi chỉ bằng lương một sinh viên mới ra trường thì chẳng ai chịu làm sếp cho cơ quan Nhà nước cả", ông Huân nói vui.
Nghị định vẫn đang chờ các văn bản hướng dẫn, song theo ông Huân có thể hiểu mức 4 triệu đồng/tháng là lương tối thiểu với vị trí tổng giám đốc tập đoàn, còn tổng thu nhập thì có thể gấp 6, thậm chí gấp 9 lần con số này. "Năm 2006, người được trả lương cao nhất ở cương vị tổng giám đốc là 35 triệu đồng. Con số này sẽ bị phá vỡ trong những năm tiếp theo", ông Huân tiết lộ.
Doanh nghiệp Nhà nước lo chảy máu chất xám
Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, nhận định để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, nếu áp dụng cứng nhắc quy định về quỹ lương hay hệ số cơ bản đối với lãnh đạo các tập đoàn là không hợp lý. Bởi nếu chốt lại mức lương cơ bản theo hệ số thì để đảm bảo đãi ngộ cán bộ, các doanh nghiệp buộc phải lập một bảng lương "ngầm", vô hình chung sẽ phát sinh nạn nói dối.
Theo ông, trong bối cảnh cạnh tranh về nhân lực khốc liệt như hiện nay, lương cũng là một trong những yếu tố đầu tiên để các doanh nghiệp thu hút nhân tài. Ở các nước trên thế giới, thu nhập của CEO thường cao hơn lương chính trị gia rất nhiều. Mỗi năm các tạp chí trên thế giới đều công bố danh sách CEO hưởng lương cao, qua đó đánh giá tài của những nhà "điều binh khiển tướng" trên thương trường.
Trên thực tế, cuộc đổ bộ của nhiều tập đoàn nước ngoài vào VN, sự ra đời của hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp mới đang khiến cho thị trường nhân lực càng trở nên nóng bỏng. Bị ràng buộc về chế độ trả lương cho lãnh đạo cũng là một lý do khiến nhiều doanh nghiệp quốc doanh cảm thấy yếu thế trong cuộc cạnh tranh nhân lực cấp cao.
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp lớn của Nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa tâm sự lương trả cho tổng giám đốc ở đây chưa đây 20 triệu đồng một tháng, thưởng cũng chẳng đáng là bao. Trong khi đó, lương tổng giám đốc các công ty hoạt động cùng ngành với doanh nghiệp này thường trên 50 triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Đó là chưa kể các khoản thưởng bằng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu hay chế độ đãi ngộ đặc biệt khác.
"Chúng tôi mong ngóng hoàn thành sớm quá trình cổ phần hóa. Khi chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, ngoài những hoài bão kinh doanh, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc đãi ngộ cán bộ, giữ chân nhân tài", ông chủ tịch trăn trở.
Một quan chức của Tập đoàn Viễn thông VNPT cho biết trước đây cán bộ công nhân viên ngành bưu chính viễn thông "được tiếng" là có thu nhập cao. Tuy nhiên khi thị trường cạnh tranh mạnh cùng với sự tham gia của nhiều hãng viễn thông, quỹ lương của VNPT bỗng trở nên chậm tiến và ít thay đổi. Trong khi Viettel là doanh nghiệp mới, quy mô chưa ở mức cồng kềnh, họ được trích 6,5% doanh thu dành cho quỹ lương thì con số của VNPT vẫn ở cỡ trên dưới 15% dành cho trên 9 vạn cán bộ đang làm việc tại tập đoàn.
"Đây là lý do vì sao VNPT bị chảy máu chất xám, nhiều người giỏi đã chuyển từ VNPT sang làm việc cho các đơn vị khác", ông nói.
Trong một lần trả lời VnExpress, một quan chức Bộ Thông tin truyền và Truyền thông nói nửa đùa nửa thật, cơ quan Nhà nước đang đào tạo hộ nhân viên cho các công ty nước ngoài, công ty tư nhân. Rồi vị lãnh đạo này trầm tư: "Cũng phải thông cảm với anh em, họ cũng có cái khó của mình, nơi nào hấp dẫn có thu nhập cao thì họ đến bởi có thực mới vực được đạo".
Hiện mức lương trung bình của một chuyên viên bình thường ở cơ quan Nhà nước vào khoảng 500.000-1,5 triệu đồng trong khi ở các công ty liên doanh ở vào khoảng 2-5 triệu đồng. Khoản chênh lệch đáng kể này đang khiến cho vấn đề nhân sự tại các cơ quan Nhà nước càng trở nên nóng bỏng.
Dùng lương để câu người tài
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank cho rằng, hiện nay thu nhập của người lao động được đánh giá đúng mức thông qua việc chi trả thu nhập cao. "Lương, thưởng cho nhân viên xứng đáng cũng là một cách đầu tư hiệu quả mà không phải tốn kém nhiều", ông nói. Hiện VP Bank cũng sẵn sàng trả lương thưởng cao cho cán bộ chủ chốt ở mức cao hơn nhân viên bình thường rất nhiều.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) - Nguyễn Mạnh Hùng chia xẻ, ở Viettel, lương cho cán bộ công nhân viên đến lãnh đạo cấp cao trong tập đoàn lớn hay doanh nghiệp nhỏ tuy khác nhau song đều gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn vị nào làm ăn tốt thì lương của những người trọng trách sẽ cao và ngược lại.
Theo khảo sát của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital hồi cuối năm 2006, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại VN luôn sẵn sàng chi trả thu nhập cho vị trí giám đốc điều hành trung bình khoảng 20,2 triệu đồng/tháng. Trong khi, cũng vị trí này, các doanh nghiệp tư nhân trả khoảng 9 triệu đồng/tháng, còn công ty Nhà nước trả khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.
Bà Vinnie Lam, Giám đốc bộ phận tư vấn nhân sự của Navigos Group, bình luận tiền lương đóng vai trò then chốt và doanh nghiệp phải cân nhắc, quyết định chi trả bao nhiêu mới có thể giữ chân người lao động, đặc biệt lao động giỏi. Ngày nay, cuộc cạnh tranh giành giật nhân lực có trình độ cao đang diễn ra gay gắt và rất nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất đi nhân viên tốt nhất chỉ vì đối thủ của họ đưa ra mức lương hậu hĩ.
Hồng Anh