Thị trấn Rạch Gốc được xem cái nôi của nghề làm ra đặc sản tôm khô khi có khoảng 12 cơ sở sản xuất, sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Đây là thương hiệu nổi tiếng của người dân xứ Đất Mũi. Sản phẩm có màu đỏ hồng tự nhiên, thịt khô, dẻo, vị ngọt đậm đà, được làm từ những con tôm khai thác dưới tán rừng ngập mặn và ở vùng biển địa phương.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, Trưởng ban Quản lý nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc, từ xa xưa nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, người dân không ăn hết nên nghĩ ra việc làm tôm khô để bảo quản lâu hơn. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc.
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi, chia sẻ với mục đích tập hợp những nông dân có nghề truyền thống làm tôm khô ở địa phương, năm 2011 tổ hợp tác sản xuất tôm khô được thành lập, đến năm 2012 phát triển thành hợp tác xã với 7 thành viên.
"Từ đó đến nay, chúng tôi không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm và đưa nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc bước vào các thị trường lớn", ông Chương nói và cho biết khi sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc, hợp tác xã luôn tuân thủ quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, thương hiệu.
Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất hơn 20 tấn tôm, trong đó mùa Tết khoảng 3 tháng (10-12 âm lịch) chiếm 40-50%. Để có hàng khô ngon, hợp tác xã chọn tôm đất tươi sống, sau đó rửa sạch, luộc, phơi, sấy rồi tách vỏ, phân loại và đóng gói. Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo quy trình này, đồng thời mỗi nơi sẽ có bí quyết riêng nhưng vẫn giữ hương vị, thương hiệu tôm khô Rạch Gốc.
Theo ông Chương, trong các công đoạn, khâu luộc tôm rất quan trọng, phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa tay với tỷ lệ 10 kg tôm nguyên liệu – 100 gram muối, khi thịt tôm rút lại tách rời vỏ mới đem phơi. Tôm phải được đảo đều và sấy ít nhất hai lần để thịt khô hẳn. Với tôm đất loại 140 con mỗi kg, trung bình 7-8 kg tôm tươi chế biến được một kg tôm khô thành phẩm.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho biết các cơ sở sản xuất tôm khô luôn trong tình trạng cháy hàng, sản xuất không đủ bán, nhất là các dịp lễ, tết. Tháng 2/2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận tôm khô Rạch Gốc nằm trong 100 đặc sản quà tặng nổi tiếng của cả nước.
Để phục vụ nhu cầu khách hàng, các cơ sở ngày càng chăm chút hơn về mẫu mã, chất lượng. Hầu hết cơ sở sản xuất đầu tư máy móc hiện đại thay vì làm thủ công như trước. Tôm khô Rạch Gốc được chia thành 2 loại chính là tôm vuông được làm từ tôm đất và tôm biển. Tôm khô đất loại 1 giá khoảng 1,5 triệu đồng mỗi kg, tôm biển 700.000-800.000 đồng mỗi kg.
An Minh