Hai tác phẩm trong bộ sách, phát hành tháng 1, là Bước chậm bên dòng Hương Giang và Miền di sản. Trong Bước chậm bên dòng Hương Giang - viết về Huế, Nguyễn Ngọc Dũng nhắc đến ẩm thực phong phú, kèm hình ảnh minh họa - gợi trí tò mò của người sành ăn. Những trang sách đong đầy cảm xúc, tâm tình của người con nhớ mâm cơm mắm ruốc, tôm chua mẹ làm. Món đặc trưng - cơm hến - được làm từ cơm chín để nguội, sau đó thêm tóp mỡ chiên giòn, rưới chút mắm ruốc, làm nổi bật vị bùi của hến. Món ngon khác được đề cập là bánh bèo chén, bánh bột lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh chưng Nhật Lệ.
Là người Huế, tác giả say đắm sông Hương thơ mộng, ví dòng nước như "tấm đệm trôi bềnh bồng, luân chuyển theo thời gian những kỷ niệm". Hai bên bờ, các địa danh lâu đời - đồi Vọng Cảnh, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén - đứng sừng sững, là "chứng nhân thời cuộc, chiến tranh và hòa bình, giữa bao sự đổi thay của con người". Dạo quanh lăng tẩm của các nhà vua trong cơn mưa, tác giả gọi Huế là "thành phố của những người khuất bóng" với những cảnh trí toát lên không khí tĩnh mịch, trang nghiêm của cố đô.
Còn trong quyển Miền di sản - nói về Quảng Nam, tác giả tìm về làng nghề đang dần bị lãng quên. Như làng Quán Hương làm tăm hương hơn 200 năm. Nét đặc trưng nằm trong chất liệu địa phương - bột quế Trà My, khiến tăm có mùi thơm khác biệt. Còn Làng hoa trái Đại Bường độc đáo vì vừa có các trái cây miền Nam - măng cụt, chôm chôm.. vừa được mệnh danh là "làng Bắc bộ giữa miền Trung" với trái vải thiều. Kiến trúc sư còn kể làng nghề đúc đồng Phước Kiều hình thành từ thế kỷ 16, làng trống Lâm Yên, hay làng chiếu Bàn Thạch...
Bên cạnh đó, người đọc biết thêm về ngành du lịch sôi động ở những "bãi biển năm sao" tại Đà Nẵng. Những bãi biển, điểm du lịch tiêu biểu như bãi Mỹ Khê, Non Nước, bãi Đá Đen, Ngũ Hành Sơn được nhắc đến với miêu tả ngắn gọn - trở thành cẩm nang cho những "đôi chân" thích khám phá.
Đến với Hội An, Nguyễn Ngọc Dũng gợi ý người đọc "bước chậm lại" để biết nơi đây không chỉ có phố cổ. Trong một buổi đi dạo, anh biết thêm vô số loại bánh trái như xí mà, chè lục tàu xá, bánh in bột đậu xanh. Thứ bánh có tên mĩ miều - hoa hồng trắng - là sự "kết đôi" của bánh bao, bánh vạt. Nhân bánh là tôm đất, mộc nhĩ, hành lá... xào đều - được bọc trong lớp vỏ bột gạo tự xay, nên hương thơm tươi mới, ăn nhiều không ngán. Hai loại bánh được sắp xếp theo hình hoa trên mâm, khiến món ăn thêm ngon miệng.
Mỗi quyển có hơn 300 bức tranh từ con người đến cảnh vật - là tư liệu thực tế cho người "xê dịch". Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định bộ sách hữu ích cho người hứng thú với địa danh Việt Nam, mong muốn trải nghiệm lối sống của người địa phương.
Tranh và ký họa trong "Lang thang phố thị"
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng xuất bản tác phẩm đầu tiên Đi tìm cái hồn đô thị vào 2004, đến nay có bảy đầu sách ra mắt bạn đọc. Lang thang phố thị 1, 2 và Lang thang phố thị 3 - Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp nhận giải thưởng Kiến Trúc TP HCM 2008, 2017, 2018 ở hạng mục ấn phẩm. Sắp tới, tác giả lang thang đến đô thị biển như Nha Trang, Phan Thiết, để tìm kiếm chất liệu viết sách. Ở tuổi 62, anh cảm thấy việc vẽ tranh như thiền, khiến anh tập trung, có cảm giác thư thái. Viết sách, ngược lại, là công việc tốn nhiều tâm sức vì cần nghiên cứu, đối chiếu tài liệu với thực tế. Nhân dịp ra mắt sách mới, Sài Gòn trăm bước (2018) - tác phẩm tiêu biểu của anh, cũng được tái bản.
Quỳnh Quyên