Sáng 23/6, kiến trúc sư, tác giả Nguyễn Ngọc Dũng giới thiệu sách Lang thang phố thị - Đồng bằng sông Cửu Long tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM.
Nguyễn Ngọc Dũng gắn bó với vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ những ngày đi thực tập ở Bạc Liêu, kết bạn nhiều người ở vùng đất này. Khi ra trường, nhận thiết kế công trình ở các tỉnh, anh có thêm cơ hội tiếp xúc những người dân lao động chân chất, cảm nhận họ là sứ giả về lòng hiếu khách, hào hiệp, những người trước lạ sau quen…
Trong lời mở đầu sách, Nguyễn Ngọc Dũng gọi Đồng bằng sông Cửu Long là "Vùng đất lạ lùng với kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, mặn ngọt đan xen, khô hạn, lũ lụt hai mùa, hiện đại và hoang sơ, giàu có và nghèo khó, vùng đất đầy bất ngờ và chưa khám phá hết". Đó là lý do anh ra đời cuốn sách.
Ấn phẩm được ghi chép theo dạng du ký, về 11 tỉnh như: Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau… Sách được trình bày theo cấu trúc: Ở mỗi tỉnh, thành, trước tiên giới thiệu những thông tin thiết thực dành cho khách du lịch, bao gồm: Ẩm thực địa phương, Điểm tham quan, Lễ hội văn hóa. Sau đó là bài viết mang tính trải nghiệm và cảm nhận của tác giả.
Không chỉ thể hiện những nét độc đáo, thú vị, những bề dày về văn hóa lịch sử của từng vùng đất, tác giả còn khắc họa tính cách của con người đồng bằng thông qua những câu chuyện mà anh được chứng kiến, trò chuyện, lắng nghe. Số phận con người ở những xóm không chồng, xóm ve chai, xóm công nhân xây dựng, xóm của những bà mẹ buôn gánh bán bưng, xóm của những người bán vé số dạo… dần hiện lên, để lại nhiều thương cảm nhưng cũng không ít trân quý về sự thật thà, chân chất, nồng hậu và hiếu khách.
Cuốn sách còn giới thiệu đến độc giả 215 bức tranh ký họa màu nước, sơn dầu, ký bút sắt, trong đó phần lớn vẽ về chân dung con người. Những bức tranh này được anh chọn lọc từ gần 500 bức tranh anh vẽ khoảng 10-15 năm trước.
Là một kiến trúc sư, quan tâm đến các vấn đề xã hội, tác giả Nguyễn Ngọc Dũng thể hiện sự trăn trở khi dòng Mekong đang bị bàn tay con người đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Người nông dân ở đây không thể nhìn con nước, nhìn trời, dựa vào kinh nghiệm được nữa. Họ bị phụ thuộc vào những tác nhân khác, khiến con nước, phù sa không còn, nguồn thủy sản cũng bị chặn lại. Biến đổi khí hậu khốc liệt đang làm người dân điêu đứng.
Tác giả bày tỏ: "Đây là cả một vấn đề khoa học, liên quan đến thượng nguồn và các nước lớn, liên quan đến những chính sách của chúng ta đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là nhiệm vụ của những nhà làm chính sách và phản biện chính sách. Chúng ta phải quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào để người dân có thể sống chung được với những điều kiện khắc khổ đó".
Theo tác giả, với những điều kiện và cơ sở hiện nay của Đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển du lịch sẽ là hướng đi cần được tính toán. Du lịch sẽ đem thế giới đến gần hơn và cũng từ đó tạo cơ hội đầu tư, phát triển, đem lại giàu có cho khu vực. "Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành Venice thứ hai của thế giới nếu chúng ta có được một hướng đi rõ ràng", Nguyễn Ngọc Dũng cho biết.
Lang thang phố thị - Đồng bằng sông Cửu Long tiếp nối từ hai cuốn sách trước, xuất bản lần lượt vào các năm 2008 và 2015. Sách đã đạt giải bạc - giải duy nhất của thể loại Công trình nghiên cứu lý luận phê bình trong Giải thưởng Kiến trúc TP HCM lần thứ nhất năm 2017. Trước đó, vào năm 2004, anh từng xuất bản cuốn sách Đi tìm cái hồn đô thị. Sắp tới, Nguyễn Ngọc Dũng tiếp tục theo đuổi chuỗi sách mang Lang thang phố thị, với điểm đến có thể là Sài Gòn, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương...
Hồ Huy Sơn