Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số nghệ nhân, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương nhằm phát triển các vùng đất khó khăn, đã chuyển đến làng Glashutte, cách thủ phủ Dresden của vùng Saxony nước Đức khoảng 30 km, để đào tạo lao động và mở nhà máy sản xuất đồng hồ.
Glashutte không phải là nơi duy nhất ở Đức sản xuất đồng hồ, nhưng ngôi làng hiện chỉ có 7.000 dân sinh sống được coi là trái tim của ngành đồng hồ nước Đức với không dưới 10 nhãn hiệu nổi tiếng, trong đó có những nhãn hiệu có giá trị ngang hàng với những nhãn hàng đồng hồ cao cấp nhất của Thụy Sĩ.
Làng chài cổ Portofino bên bờ biển Địa Trung Hải gần thành phố Genoa, miền bắc Italy, nổi tiếng với vị trí địa lý độc đáo và kiến trúc đầy sắc màu, đã thu hút sự quan tâm của các vua chúa, tầng lớp quý tộc và văn nghệ sĩ châu Âu từ thế kỷ XII. Ngôi làng trở nên phổ biến với giới nhà giàu, các ngôi sao từ sau khi Tổng lãnh sự Anh tại Genoa trùng tu lại một lâu đài cổ ở đây năm 1870, sau đó Portofino chuyển hoàn toàn từ nghề chài lưới sang nghề du lịch vào những năm 1950. Ngày nay, Portofino là một cái tên phổ biến trong văn hóa đương đại, được đặt tên cho một mẫu xe của Ferrari, được đặt tên màu cho nhiều sản phẩm (Portofino blue), được nhắc đến trong nhiều bộ phim, là phim trường, nguyên mẫu cho nhiều sản phẩm sáng tạo, đồng thời cũng được tái hiện thành các khu nghỉ dưỡng ở Mỹ và Nhật Bản.
Làng trung cổ Hallstatt nằm ở chân núi Alps nước Áo được coi là xứ sở cổ tích thiên đường với lịch sử lâu đời bắt đầu từ việc nơi đây người dân đã khai thác một mỏ muối, có lẽ là cổ xưa nhất thế giới với tuổi đời lên đến 7.000 năm. Sau khi được trao danh hiệu Di sản văn hóa thế giới năm 1997, Hallstatt đón lượng khách khổng lồ, lên tới 10.000-30.000 khách mỗi ngày trong khi chỉ có hơn 700 dân sinh sống. Truyền thông xã hội đặt cho Hallstatt danh hiệu là vùng đất được đưa lên Instagram nhiều nhất (the most instagrammable town) thế giới.
Việt Nam cũng có những ngôi làng chứa đựng lịch sử thú vị, có tiềm năng trở thành những câu chuyện hấp dẫn cả thế giới.
Theo Đại việt sử ký toàn thư, làng gốm Bát Tràng được hình thành khi 5 dòng họ làm gốm ở phủ Trường Yên (Ninh Bình ngày nay) theo vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tìm đến vùng Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng), phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nơi có nguồn đất sét trắng phong phú, kết hợp với người địa phương mở lò sản xuất đồ gốm. Trải qua thời gian dài, sản phẩm Bát Tràng ngày nay đa dạng về loại hình, hình thức trang trí, sử dụng nhiều dòng men đặc trưng qua nhiều thế kỷ và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hàng năm Bát Tràng đón khoảng 10.000 khách quốc tế và 70.000 khách Việt Nam đến thăm.
Làng chài Cửa Vạn là một quần thể các ngôi nhà, bè nổi có khoảng 300 hộ dân sinh nằm trong một vùng biển nước lặng, cách bến tàu du lịch Hạ Long khoảng 20 km, kín đáo và tách biệt với thành phố Hạ Long náo nhiệt. Địa điểm này vẫn giữ được sự hoang sơ, trữ tình, cuộc sống mang đậm nét văn hóa miền biển, được tạp chí du lịch Journeyetc bình chọn là một trong 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới vì hội tụ sự cổ kính, có vẻ đẹp duyên dáng và lưu giữ được nền văn hóa truyền thống đặc trưng. Trang Bright Side đề xuất làng chài Cửa Vạn đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách 17 ngôi làng cổ tích đẹp như tranh, cùng các điểm đến khác như thị trấn San Gimignano (Tuscany, Italy), quần đảo Faroe, làng Gásadalur (Đan Mạch), làng Giethoorn (Hà Lan), làng Hallstatt (Áo)...
Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, có nhiều nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa ở Bắc Bộ với cây đa, bến nước, đình làng... bao gồm 9 làng thuộc huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, nơi đây còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đường Lâm có cổng làng xây dựng năm 1833 cạnh cây đa 300 tuổi, có những ngôi nhà xây bằng đá ong cổ kính, có đình làng 380 năm tuổi theo kiến trúc Việt - Mường, nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi kết tinh được kiến trúc Việt cổ truyền chứng kiến sự thăng trầm của mười mấy thế hệ. Đây cũng là nơi có nhiều đặc sản như chè lam, bánh tẻ, tương gạo, bánh gai.
So sánh giữa Việt Nam và thế giới, các chuyên gia trong nước và quốc tế khẳng định chúng ta có nền văn hóa phong phú và đa dạng với lịch sử lâu đời, nhiều nghìn năm; Việt Nam cũng không thiếu các di sản văn hóa có giá trị, nhiều lễ hội, nhiều làng nghề truyền thống. Thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết cả nước hiện có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó khoảng 2.000 làng nghề truyền thống có giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế lâu đời. Nền ẩm thực của Việt Nam cũng được đài truyền hình CNN đánh giá thuộc top 8 nền ẩm thực mới nổi có sức lan tỏa nhất thế giới.
Điểm khác so với những ví dụ ở nước ngoài là giá trị văn hóa các ngôi làng ở Việt Nam có lẽ chưa được hệ thống đầy đủ và dẫn dắt bởi những câu chuyện sâu sắc và hấp dẫn, các cơ sở là đối tượng của ngành công nghiệp văn hóa - du lịch chưa có đầu tư thích đáng, sản phẩm của các ngôi làng cũng chưa được chọn lọc để đem đến cho du khách cảm giác thỏa mãn và tin cậy, hệ sinh thái xung quanh ngôi làng cũng chưa đem đến cho du khách trải nghiệm đầy đủ và duy nhất, chưa nói đến sự yên tâm, thoải mái đối với các dịch vụ bán hàng, vệ sinh, an ninh...
Nhiều du khách mong muốn có tour tham quan các làng nghề ở Việt Nam nhưng đành chỉ bằng lòng với việc mua sản phẩm. Du khách nếu không quen người địa phương cũng thấy khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin tại địa điểm trải nghiệm. Một số cơ sở văn hóa được đầu tư nhiều ngân sách cũng chưa khiến du khách cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra. Mong muốn đơn giản, chính đáng của du khách về sự sạch sẽ, gọn gàng, có cây có hoa - cũng không dễ mà có được.
Để phát triển công nghiệp văn hóa, chắc chắn phải có sự đầu tư của nhà nước, nhưng việc đầu tư này không nhất thiết đồng nhất với số tiền nhiều nghìn tỷ đổ lên các ngôi làng, di tích. Điều quan trọng là giá trị văn hóa của từng ngôi làng, từng di tích được bảo tồn, chú trọng và truyền tải một cách đầy đủ, thân thiện, để nhân loại thấy các cơ sở này không biến mất trong quá trình đô thị hóa, ngược lại vẫn trường tồn với đầy đủ sự hiện đại trong khung cảnh đời sống văn hóa hiện nay.
Nguyễn Hoa Cương