Ngày 9/12, tại kỳ họp thứ 31 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã thông qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu, kinh tế của tỉnh trong năm 2024 phát triển toàn diện, tốc độ tăng GRDP ước đạt 6,01%. Trong đó nông lâm nghiệp tăng 2,78%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,8%, dịch vụ tăng 6,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,17%.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, với 1.200 doanh nghiệp, đạt 200% kế hoạch, tăng 57,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 9.805 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Số thu này phần lớn đến từ hoạt động xuất nhập khẩu, với khoảng 6.600 tỷ đồng.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Lạng Sơn, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tạo tiền đề cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ giai đoạn 2026-2030.
Hiện nhu cầu kinh phí cho đầu tư phát triển, thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, dự án, đề án của tỉnh, đối ứng kinh phí để thực hiện các chương trình dự án đã cam kết... rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước còn khó khăn. Doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thu đảm bảo cân đối ngân sách địa phương thấp. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách của Trung ương ảnh hưởng đến số thu ngân sách như chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, hỗ trợ về thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất...
Tuy vậy, năm 2025, Lạng Sơn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,7 - 8%; xây dựng thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phát triển toàn diện ngành du lịch, từng bước phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư.
Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia vào thị trường.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là các dự án du lịch trọng điểm; xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Thế Đan