Tỷ lệ tự tử tại nông thôn Trung Quốc từ năm 2000, theo nghiên cứu công bố trên Lancet, đã cao gấp đôi thành thị, 18,1 trên 100.000 người so với chỉ khoảng 7,6. Với vấn đề trẻ em bị bỏ rơi, Mae dẫn thống kê của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia Trung Quốc cho biết, khoảng 61 triệu trẻ em sống xa cha mẹ vì họ phải đi làm xa kiếm sống.
Mae nói: "Nếu không thay đổi chính sách và có các giải pháp dài hạn, những vấn đề này không thể cải thiện, nông thôn sẽ ngày càng khó khăn".
Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, mất cân bằng giới tính, di cư lao động và chế độ hộ khẩu là các nhóm nguyên nhân chính được xác định. Giải pháp cấp bách mà nước này đang tiến hành đều tập trung vào việc kéo gần khoảng cách nông thôn và thành thị, trong đó đô thị hóa nông thôn được cho là chìa khóa vạn năng để giải quyết vấn đề.
Song, bạn tôi tỏ rõ quan ngại. Bạn cho rằng, nóng vội và gấp rút hô biến thôn quê thành đô thị sẽ để lại những hậu quả khó lường. Trong khi vấn đề cốt lõi không được triệt để giải quyết thì cái gốc của nông thôn dần dà bị đô thị hóa, lai căng và mất luôn bản chất vốn có. Nông thôn đã nghèo lại mắc thêm nhiều cái eo. Giá trị gốc không còn, làng quê trở nên xơ xác, thua thiệt, đói nghèo, cuối cùng cách xa đô thị hơn trước.
Hàn Quốc cũng gặp vấn đề tương tự. Hơn 20 năm trước, để kéo gần khoảng cách địa lý với nông thôn, họ làm đường cao tốc, kỳ vọng hạ tầng phát triển, kết nối logistics tốt, nông sản từ thôn nghèo dễ dàng lên phố lớn, khách du lịch từ thị thành về kích cầu được du lịch nông thôn.
Đúng là nông thôn gần hơn với thành thị khi đường mở, phố xây mới. Nhưng ở chiều ngược lại, người quê cũng quên mất mình có gì, theo đường lớn ra phố và bỏ luôn quê nhà.
Chỉ khi những mặt trái phát sinh và bộc lộ rõ, người ta mới nhận ra đô thị hóa nông thôn cần được cẩn trọng và tính toán bằng nhiều giải nhóm giải pháp căn cơ.
Từ năm 2017 nông thôn Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: thiếu lao động, tỷ suất sinh lại thấp. Để duy trì các hoạt động nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, họ phải phụ thuộc vào lao động đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, và Philippines.
Vấn đề này kéo theo vấn đề khác, liên quan đến việc phải giải quyết bài toán song hành của một xã hội đa văn hóa như, chính sách hòa nhập cộng đồng, lao động bất hợp pháp và bình đẳng công việc với người bản địa.
Câu chuyện đô thị hóa nông thôn và những khía cạnh phức tạp của vấn đề này là chuyện chung mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đang nóng lòng giải quyết.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2020 đạt khoảng 37,5%. Nghĩa là khoảng một phần ba dân số sinh sống tại các khu vực đô thị. Mục tiêu của Việt Nam là nâng tỷ lệ này lên khoảng 45% vào năm 2030 và 50% vào 2045.
Các thị trấn và khu đô thị nông thôn đang được đầu tư mạnh để trở thành các "đô thị vệ tinh", phục vụ nhu cầu sinh sống và làm việc cho người dân từ các khu vực xung quanh. Nhiều tỉnh thành đang xây dựng các đô thị quy mô vừa và nhỏ, với cơ sở hạ tầng hiện đại như điện, đường, trường học, bệnh viện, nhằm thu hút dân cư từ nông thôn.
Đến năm 2020, khoảng 63-65% dân số Việt Nam vẫn sống ở nông thôn, tuy nhiên, tốc độ di cư từ nông thôn ra thành thị đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là ở các khu vực miền Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, và miền Đông Nam Bộ.
Nếu nhìn trên khía cạnh tương tự thì nông thôn của chúng ta chưa phải là câu chuyện của Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng không vì vậy mà nó không tiềm ẩn khả năng nông thôn bị đô thị hóa.
Nhật Bản là một câu chuyện khác. Mặc dù quốc gia này cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già và tỷ lệ sinh thấp, nhưng tình hình tuyển dụng lao động nước ngoài của Nhật Bản lại khác biệt.
Nhật không tuyển lao động thời vụ cho nông thôn ở quy mô rộng rãi như Hàn Quốc. Nước này từ lâu có chính sách nhập cư khá nghiêm ngặt và chỉ mở cửa một phần cho lao động nước ngoài. Vấn đề lớn nhất là Nhật Bản có nền văn hóa và xã hội rất đặc thù, khá khép kín, làm cho việc hòa nhập của lao động nước ngoài vào cộng đồng nông thôn trở nên khó khăn hơn.
Để cứu lấy nông thôn, không để nông thôn quá lạc hậu so với đô thị, Nhật Bản thay vì dựa vào lao động nước ngoài, đã tập trung phát triển công nghệ tự động hóa và robot để thay thế lao động trong ngành nông nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công và lao động nhập cư.
Nhật là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển nông thôn mà không làm mất đi bản sắc văn hóa. Mô hình "Smart Village" (Làng thông minh) của họ là một ví dụ. Các khu vực nông thôn Nhật Bản không chỉ áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mà còn duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Những ngôi làng truyền thống vẫn được bảo tồn với những quy định nghiêm ngặt về kiến trúc, cảnh quan, đảm bảo không gian sống không bị xâm lấn quá mức bởi các công trình bê tông hóa.
Ngoài ra, Nhật còn kết hợp du lịch sinh thái với bảo tồn văn hóa. Nông thôn, thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động du lịch, đã thu hút nhiều du khách quốc tế mà vẫn giữ được đặc trưng văn hóa, cảnh quan riêng biệt. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc phát triển nông thôn mà không làm mất đi bản sắc.
Vậy đâu sẽ là giải pháp để nông thôn Việt Nam được hiện đại mà không bị tàn phá bởi quá trình đô thị hóa.
Thứ nhất là xây dựng nông thôn thông minh. Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như sử dụng các hệ thống tưới tiêu thông minh, công nghệ quản lý đất đai có thể giúp nâng cao năng suất mà không làm thay đổi bản sắc nông thôn.
Tiếp theo là bảo tồn kiến trúc truyền thống. Các khu vực nông thôn cần có quy định bảo vệ kiến trúc nhà ở, cảnh quan, môi trường tự nhiên để tránh sự "bê tông hóa" quá mức. Chính quyền địa phương cần đưa ra các chính sách khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời phát triển các ngành nghề truyền thống.
Thứ ba là phát triển du lịch sinh thái và văn hóa. Nông thôn có thể tận dụng lợi thế về thiên nhiên, các lễ hội truyền thống, nghề thủ công để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thứ tư là tạo sự tham gia của cộng đồng trong phát triển. Chính quyền và các tổ chức xã hội cần tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các quyết định phát triển, bảo vệ môi trường và văn hóa. Người dân địa phương cần được giáo dục và nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo tồn bản sắc khi tham gia vào quá trình phát triển.
Mỗi làng quê có một hoàn cảnh riêng nên để hiện đại hóa cũng cần nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng dù với kịch bản nào, cũng không thể khiến nông thôn rỗng ruột dưới lớp bê tông hóa.
Nguyễn Nam Cường