Làng Zhongbu được trang bị các hệ thống ứng dụng 5G với khoảng 30 chức năng khác nhau, gồm cả máy dò khói và camera giám sát để giúp làng không có kẻ trộm. Những người già tại đây được tặng vòng đeo thông minh kết nối 5G để con cái xác định được vị trí và tình trạng sức khỏe của họ.
Dân làng tỏ ra hào hứng với công nghệ mới dù phần lớn đang dùng điện thoại 4G. "Tôi sẽ nâng cấp smartphone 5G để giải trí thời gian tới", một phụ nữ tên Shi nói. "Vòng đeo thông minh hỗ trợ 5G cảnh báo tình trạng sức khỏe của mẹ tôi rất nhanh", một người khác cho biết.
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về triển khai 5G thương mại. Nước này đã lắp mạng lưới hơn 700.000 trạm gốc 5G tại 300 thành phố kể từ lần triển khai đầu tiên vào năm 2019 và sẽ bổ sung 600.000 trạm khác năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nhỏ trong mục tiêu 10 triệu trạm gốc của chính phủ, theo China Unicom Research.
Bất chấp sự thiếu hụt về phạm vi phủ sóng và ứng dụng 5G, các lô hàng smartphone được trang bị mạng di động thế hệ mới ngày càng tăng. Báo cáo từ China Unicom Research cho thấy, smartphone 5G chiếm 51% trong tổng số 281 triệu máy được bán ra trong 11 tháng đầu năm 2020.
"Làng 5G là ví dụ về việc ứng dụng 5G cho mọi mặt của đời sống. Nó cũng gợi ý cho các nhà đầu tư nên phát triển hạ tầng thế nào để phù hợp với mạng di động thế hệ mới trong tương lai", Thomas Zhang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Uzabase, một công ty truyền thông Nhật Bản, nhận định.
Hiện tại, 80% ứng dụng 5G dành cho ngành công nghiệp, phần còn lại tập trung cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng chất bán dẫn, thiết bị thông minh và xe tự hành sẽ là những lĩnh vực khai thác tốt nhất 5G.
Việc phát triển 5G của Trung Quốc đang gặp phải rào cản về sử dụng công nghệ nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng tránh tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty công nghệ, nhất là Huawei và ZTE - hai công ty viễn thông hàng đầu nước này.
Trước sức ép từ Mỹ, Huawei và ZTE đang chỉ tập trung vào các dự án 5G trong nước. Hiện tại, hai công ty này chiếm 90% thị phần 5G Trung Quốc. Các công ty khác cũng bắt đầu đổ tiền cho mạng di động thế hệ thứ 5, ví dụ, Alibaba đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ trong 3 năm, Tencent chi 500 tỷ nhân dân tệ trong thời gian 5 năm để cải thiện các dịch vụ, xây dựng trung tâm dữ liệu mới, phát triển chip và thiết bị liên quan đến 5G.
Theo Daxue Consulting, một công ty phân tích có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc có 160 triệu người dùng 5G năm 2020. Con số này sẽ tăng lên 650 triệu vào năm 2023.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)