Những ngày này, gần 10 công nhân ở cơ sở sản xuất hương của chị Nguyễn Thị Mai (47 tuổi), bản Hạnh Tiến (xã Châu Hạnh) miệt mài quấn, đóng gói sản phẩm để xuất cho các thương lái. Hương Quỳ Châu vào vụ từ cuối tháng 9 (âm lịch), song càng cận Tết nguyên đán không khí sản xuất, mua bán thêm tấp nập.
Nghề làm hương đã gắn bó với gia đình chị Mai 23 năm. Theo chị, để cho ra một que hương hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn và kéo dài cả năm. Trong đó, khâu chuẩn bị chu hương thực hiện từ đầu năm âm lịch. Chu hương được chọn từ những cây nứa rừng không quá non hoặc già. Nứa ngâm hơn một tháng trước khi chẻ thành chu, phơi khô để đảm bảo 100% đều cháy khi thắp.
Nguyên liệu làm hương gồm rễ hương, vỏ quế, hồi, thảo quả, đinh hương, trầm, bã mía. Hương thành phẩm có nhiều độ dài khác nhau như 40 cm, 60 cm, 1 m và 1,5 m.
"Các công đoạn thì cơ sở nào cũng giống nhau, song cách trộn nguyên liệu để hương có mùi thơm thì mỗi nơi giữ bí quyết riêng", chị Mai nói, cho biết trung bình mỗi năm gia đình bán ra thị trường hơn 80.000 que hương. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu và nhân công, gia đình lãi từ 50 - 60 triệu đồng.
Theo chị Mai, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên lượng sản phẩm không thay đổi nhiều. "Dù kinh tế có khó khăn thì dịp Tết các gia đình cũng mua sắm vài búp hương để thờ tổ tiên", chị Mai nói.
Cách nhà chị Mai vài chục mét, cơ sở sản xuất hương của gia đình bà Phan Thị Uyên (52 tuổi) cũng đang nhộn nhịp. Lúc cao điểm, tại đây có 12 công nhân làm việc, trung bình 10 giờ mỗi ngày. Cơ sở nhà bà Uyên mỗi năm xuất ra thị trường hơn 250.000 que hương các loại.
Chị Trần Thị Pha (35 tuổi), trú huyện Quỳ Châu là công nhân thời vụ cơ sở này 13 năm qua, cho biết hơn 10 giờ có thể quấn được 4.000 que hương loại 40 cm, hưởng tiền công 300.00 đồng. Nữ công nhân cho rằng, công đoạn quấn hương không bỏ quá nhiều sức, song đòi hỏi thuần thục, chuẩn chỉ để sản phẩm khi đưa ra thị trường không bị lỗi.
"Que hương khi quấn lỏng sẽ rơi bột, song chặt quá cũng khó cháy. Nghề làm hương nhìn thì có vè đơn giản nhưng cũng lắm công phu", chị Pha nói và chia sẻ thêm nghề làm hương là công việc thời vụ, song mức thu nhập như vậy là khá ổn.
Theo ông Sầm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quỳ Châu, nghề làm hương ở địa phương có truyền thống hơn 40 năm. Toàn huyện có hơn 80 hộ thuộc nhiều làng nghề ở các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, thị trấn Tân Lạc..., giải quyết việc làm cho 400-500 lao động thời vụ ở địa phương.
Toàn huyện Quỳ Châu có 3 cơ sở đã được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Nghệ An). Hương Quỳ Châu có mùi thơm đặc trưng của trầm, được nhiều người ưa chuộng trong dịp lễ Tết. "Trung bình mỗi năm hương Quỳ Châu xuất ra thị trường hơn 30 triệu que. Thu nhập bình quân từ 60 -100 triệu đồng/hộ kinh doanh", ông Dũng nói.
Hiện, hương Quỳ Châu đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An cho hay hương Quỳ Châu là sản phẩm đặc trưng thuộc tốp đầu của Nghệ An. "Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm giúp các hộ làm nghề", ông Hiếu nói.
Đức Hùng - Nguyễn Hải