Chiều 28/9, Andi Rainaldi và vợ là Flarahanie ngồi ăn chuối chiên cùng đại gia đình tại Boya, một ngôi làng nhỏ bé ven bờ biển Donggala. Lũ trẻ chơi đùa trong lúc người lớn trò chuyện, trong đó có Endi Rafi Alfariel, con trai của Andi, cùng hai đứa cháu là Sakinah, 6 tuổi và Husna, 9 tuổi, theo ABC.
Donggala là khu vực gần tâm chấn nhất của trận động đất 7,5 độ làm rung chuyển tỉnh Sulawesi chiều 28/9, cách tâm chấn chỉ 30 km về hướng bắc. Làng chài Boya là một trong những nơi chịu thảm họa tồi tệ nhất.
Khi nhà cửa trong làng bắt đầu rung lắc, không phải ai cũng có thời gian chạy thoát trước khi nhà cửa đổ sập, trong đó có ba đứa trẻ nhà Andi. Chưa đầy nửa tiếng sau khi động đất, một cơn sóng thần dữ dội trào tới, tấn công Boya và khu vực xung quanh bờ biển, cuốn phăng nhà cửa.
"Nhà cửa trong làng hoàn toàn biến mất, không ngôi nhà nào trụ vững", Andi nói.
7 thành viên trong gia đình anh biến mất, bao gồm con trai, hai đứa cháu, con đỡ đầu và bà cô. Họ mắc kẹt và chết dưới đống đổ nát khi nhà sập, hoặc bị cuốn trôi ra biển khi những con sóng khổng lồ đập vào bờ.
Mấy ngày nay, Andi và vợ không ngừng tìm kiếm con trai và người thân nhưng tới 30/9, hai người mất dần hy vọng. Trên mặt biển trôi nổi nhiều xác người. Vài tiếng sau, họ tìm thấy thi thể con trai ở một nhà thờ Hồi giáo địa phương - nơi đang trở thành nhà xác tạm thời.
"Tôi không thể nhận ra mặt con trai, chỉ nhận ra cháu qua quần áo", Andi nói. "Người cháu không chỗ nào lành lặn. Tôi vô cùng tuyệt vọng. Cháu là đứa con duy nhất của chúng tôi, nó bé bỏng dường nào. Tôi rất đau đớn, chúng tôi buộc phải chôn cháu càng sớm càng tốt".
Ít nhất 20 người đã chết ở Donggala và số người tương tự đang mất tích. Các thành viên trong gia đình Bereft liên tục ghé qua nhà thờ suốt cả ngày để tìm kiếm người thân. Hơn một chục thi thể được đặt ở đó, quấn vải xung quanh. Vài người chết trong trạng thái tay vẫn còn giơ cao, hoặc khom tay che đầu - dấu hiệu cho thấy họ đã cố gắng bảo vệ bản thân khỏi nhà cửa đổ sập hay những con sóng khổng lồ trong phút cuối đời.
"Tôi không biết phải đi đâu"
Dọc bờ biển Donggala là tàn tích của những ngôi nhà một thời ấm cúng. Mái nhà bằng sắt, đồ nội thất và vật dụng cá nhân rải rác trên đường. Trong số đó có nhiều ảnh cũ và bưu thiếp gợi nhớ về quãng thời gian hạnh phúc của cư dân nơi đây.
Một ngôi nhà bị đánh bật khi sóng thần đẩy một con thuyền đánh cá lớn vào bờ. Đống đổ nát từ ngôi nhà rải rác khắp nơi, trong khi con tàu đánh cá còn nguyên vẹn, sừng sững giữa nền móng nhà.
Siswanto là chủ nhà. Con trai, vợ và các cháu của ông đều ở trong nhà khi động đất xảy ra. Họ chạy thoát, nhưng sóng thần đã quét con trai ông ra xa hàng trăm mét, trước khi anh kịp bám vào nơi cao hơn. Thật kỳ diệu vì cả gia đình ông đều sống sót.
"Giờ chúng tôi không biết đi đâu", Siswanto nói. "Bây giờ chúng tôi đang đi đến một trại tị nạn, sau đó có lẽ ở nhờ nhà người thân tại Palu".
Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan ở Palu - thành phố hơn 350.000 dân. Hàng nghìn người đang ngủ dưới lều bạt dọc đường, trên sân thể thao hoặc sân bãi trống. Họ ngủ bên ngoài vì sợ có thể tiếp tục xảy ra động đất. Hàng trăm cơn dư chấn những ngày sau động đất làm gia tăng thiệt hại và tạo ra hàng loạt vụ sạt lở.
Phần lớn Palu vẫn chìm trong bóng tối vào đêm thứ ba sau thảm họa. Điện vẫn mất, cơ sở hạ tầng thông tin hư hỏng nặng. Ngay cả những người dân còn nhà cửa sau động đất vẫn lựa chọn ngủ ngoài trời. Khách sạn vẫn mở cửa, nhưng không cho khách ngủ bên trong, đề phòng động đất.
Hơn 1.200 người thiệt mạng, nhưng các nhà chức trách dự đoán số người chết sẽ còn gia tăng. Đa số nạn nhân chết vì nhà sập. Mùi xác chết xộc lên khắp đường phố Palu, đó là mùi của những thi thể nằm trên đường phố, hoặc của những nạn nhân vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát.
Chính quyền Indonesia quyết định chi 37 triệu USD viện trợ khẩn cấp, đồng thời kêu gọi viện trợ quốc tế. Nhưng trong lúc chờ viện trợ, Palu và những khu vực bị ảnh hưởng trong thảm họa kép thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thuốc men, đội ngũ y tế.