Tại nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia, mặt đất giờ đây nhìn giống như chất lỏng, Express dẫn lời một số nhân chứng miêu tả. Giới chuyên gia gọi đây là hiện tượng "đất hóa lỏng", xảy ra khi đất bị bão hòa bởi nước và chịu sức ép do chuyển động đột ngột như rung chấn từ động đất.
Nền đất lúc này mất đi sức chịu lực và độ cứng, thể hiện đặc tính giống như nước. Hiện tượng hóa lỏng đất có thể gây nguy hiểm. Trong những trận động đất, xe hơi, mặt đường và thậm chí các tòa nhà có thể bị hút xuống dưới lớp đất nền.
"Thật đáng sợ", một người dùng Twitter viết khi nhìn thấy hiện tượng kỳ lạ.
Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất mạnh cấp 9 và cũng gây ra hiện tượng hóa lỏng đất trên diện rộng. Những khu vực gần vùng ven biển, cảng và sông ngòi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hiện tượng trên.
Trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sulawesi, Indonesia, chiều tối 28/9, tạo ra đợt sóng thần tàn phá nhiều khu vực ven biển của thành phố Palu và thị trấn Donggala.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) xác nhận số người chết trong thảm họa kép động đất và sóng thần đã lên đến hơn 1.200 người và dự kiến tiếp tục tăng. BMKG cũng đang phải đối mặt chỉ trích khi nhiều người cho rằng cảnh báo sóng thần bị dỡ bỏ ngay trước khi những con sóng khổng lồ tràn vào bờ.