Làng Thủy Ba thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, là vùng bán sơn địa, nằm phía bắc tỉnh Quảng Trị, thuộc "truông nhà Hồ" nổi tiếng trong ca dao xưa: "Thương anh em cũng muốn vô / Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".

Lưới và lưỡi mác dùng bắt hổ được trưng bày tại Nhà truyền thống xã Vĩnh Thủy. Ảnh: Hoàng Táo
Các bậc cao niên kể, Thủy Ba xưa kia là rừng thiêng nước độc, hổ dữ rất nhiều, thường xuyên ăn thịt gia súc và cả người. Để sinh tồn, chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, người dân đã sáng tạo cách bắt hổ vào khoảng 300 năm trước.
Dân làng vào rừng bóc vỏ cây sót về đập dập, ngâm nước vôi vài tuần rồi đan thành lưới. Mỗi tay lưới dài khoảng 8 m, cao 3,5 m, mắt lưới khoảng 20 cm. Viền bên ngoài được đan bằng mây để vừa chắc chắn, vừa dẻo dai.
Để bắt sống hổ đòi hỏi người dân phải có lòng dũng cảm, thông minh và tinh thần đoàn kết. Làng Thủy Ba cũ có ba thôn Đông, Tây, Hạ được tổ chức thành 20 toán bắt hổ, còn gọi là xâu. Trai tráng, đàn ông khỏe mạnh từ 18 đến 45 tuổi phải tham gia các xâu. Nữ thanh niên mạnh khỏe, tháo vát được cử theo xâu phục vụ hậu cần. Mỗi xâu có 2-4 tay lưới, nhiều lưỡi mác và nạng có cán dài.

Ông Trần Đức Thọ từng chứng kiến cuộc vây bắt hổ. Ảnh: Hoàng Táo
Vào rừng, nhóm người đi trước dò dấu vết, nhóm đi sau mang theo lưới và lưỡi mác phòng thủ. Khi phát hiện hổ, lưới được giăng lên bằng hai nạng hai đầu, người đi bên ngoài luồn tay vào lưới, dùng dao phát sạch bụi rậm. Thanh la, chiêng trống được đánh rộn ràng để hổ hoảng sợ. Ban đêm, dân làng đốt lửa, hạ trại, cứ như vậy cho đến khi bắt được hổ.
Việc bắt hổ ban đầu chỉ là phòng vệ, sau này danh tiếng vang đến triều đình nhà Nguyễn. Năm 1892, phía tây kinh thành Huế xuất hiện đàn hổ ngày đêm quấy phá, giết chết nhiều người cùng trâu, bò, lợn. Hổ dữ đe dọa cả những chuyến du ngoạn, săn bắn của vua quan. Trước tình cảnh đó, nhà vua phải ra chiếu huy động 400 trai tráng của Thủy Ba vào bắt hổ.
Ông Nguyễn Quang Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, cho hay cố nội của ông là Nguyễn Chẻng, từng làm đội phó bắt hổ, được triều đình nhà Nguyễn mời vào kinh. Trận vây ráp thứ nhất, dân làng bắt được con hổ đực, trận thứ hai bắt được một hổ cái và ba hổ con, đều còn sống. Triều đình nhà Nguyễn đã thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu trong làng. Ông Nguyễn Chẻng được vua ban tặng "Ngân vàng", ông Cai Dẫn được "Ngân bạc".

Xã Vĩnh Thủy ngày nay, phía sau là núi Linh Sơn, nơi từng diễn ra nhiều cuộc vây bắt hổ. Ảnh: Hoàng Táo
Nhà nằm dưới chân núi Linh Sơn, ông Trần Đức Thọ, 91 tuổi, ở làng Thủy Ba Thượng, từng theo cha chứng kiến các cuộc bắt hổ. Cha ông Thọ là thủ bộ làng Thủy Ba (chuyên coi giữ giấy tờ, lai lịch của làng) nên mỗi khi hổ về ăn thịt gia súc, hại người thì chức sắc trong làng có mặt để đốc thúc dân xua đuổi, vây bắt.
Khoảng năm 1940, ông Thọ chứng kiến cuộc vây bắt hổ cách nhà khoảng 2 km. Nghe thanh la báo động, dân làng tập hợp thành các xâu, mang theo dụng cụ vào rừng. Lý trưởng chỉ huy, vay mượn trâu bò của dân để làm mồi nhử. "Sau hai ngày, dân làng bắt được con hổ khoảng 2 tạ, báo quan trên. Nếu vua yêu cầu, dân Thủy Ba đóng cũi, lùa hổ vào rồi khóa lại để dâng vua", ông Thọ kể.
Ông Trần Đức Thọ kể về cuộc vây bắt hổ ở núi Linh Sơn. Video: Hoàng Táo
Những năm kháng chiến chống Pháp, Thủy Ba thành căn cứ nên nhiều vũ khí săn bắt hổ bị giặc Pháp đốt phá. Hổ vì thế cũng hoành hành dữ hơn. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thủy ghi lại, từ năm 1946 đến 1953, cả vùng có gần 120 người dân, chiến sĩ bị hổ dữ sát hại.
Để bảo vệ dân, cuối năm 1952, Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ kinh phí để Thủy Ba mua sắm vũ khí và đan lưới diệt hổ. Năm 1953, con hổ nguy hiểm nhất trong vùng và là con cuối cùng bị sập bẫy của dân làng. Người dân Thủy Ba đã loại trừ hiểm họa lớn cho nhân dân vùng Bình Trị Thiên (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay).
Ông Nguyễn Quang Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, đánh giá chiến thắng hổ dữ là kết quả của trí - dũng - nhân, của sức mạnh đoàn kết và tinh thần thượng võ của người dân Thủy Ba. Giờ hổ còn rất ít, được bảo tồn, kỹ năng bắt hổ không còn lưu truyền, nhưng truyền thống đoàn kết, tinh thần thượng võ của dân làng vẫn được duy trì. Năm 2012, xã Vĩnh Thủy được công nhận xã Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.