Range Rover là biểu tượng cho giới nhà giàu Việt Nam trong nhiều năm. Chiếc SUV cỡ lớn thường xuất hiện trên phố với hình ảnh sạch sẽ, bóng bẩy. Ít người nghĩ, mẫu xe sang Anh quốc dành cho những địa hình khó. Thực tế lại khác, trong nhiều năm Land Rover thêm nhiều công nghệ off-road cho các sản phẩm của hãng, mà đôi khi khách Việt không bao giờ "sờ" tới.
Trong những bài thử khó mà Land Rover Việt Nam thiết kế tại Hà Nội hôm 15/6, cả đội hình với những Range Rover Vogue, Sport, Evoque, Discovery, Discovery Sport đều xuất hiện. Có hai bài lớn là Dynamic và Off-road, trong đó bài Dynamic do tài xế chủ động ga, phanh để vượt qua cung đường lầy, lún sâu và trơn vì đầy cỏ. Bài off-road thì tài xế không phải làm gì ngoài việc đánh lái, xe sẽ tự động tính toán lực kéo để vượt địa hình.
Bài Dynamic, bước lên một chiếc Range Rover Sport, tập tiến lùi góc vuông 90 độ. Việc này không khó bởi xe cồng kềnh nhưng có camera 360 độ xung quanh xe, vài lần tập là thành thạo. Thử thách là khi con đường phía trước toàn cỏ và bùn lầy, vệt bánh xe đi trước tạo những rãnh sâu hoắm. Cảnh tượng mà nếu là con đường thực tế, tôi sẽ chọn cách quay về tìm đường khác.
Đặt một bánh xuống bùn, vẫn rón rén như những khi off-road trên các xe khác. Nhả hết phanh, xe lừ lừ tiến, nhẹ như trên đường khô, không cảm thấy độ ỳ của lớp bùn đang quyện dưới lốp. Đánh lái trái phải cũng không thành vấn đề. Bỗng phía trước là một khúc cua gấp, bên kia cua là rãnh sâu và ụ đất cao. "Khó đấy", tôi lẩm bẩm đánh giá tình hình. "Không sao đâu anh, được đó", cậu hướng dẫn viên ngồi cạnh nhắc.
Dúi thêm chút ga, đánh lái, xe bò qua không chút cố gắng. Không tiếng động cơ gào lên vì quá vòng tua, không đứng yên tại chỗ vì bánh xoay tít, dường như Dynamic là bài thử còn quá nhẹ nhàng với Range Rover Sport, vốn sở hữu hệ dẫn động bốn bánh cùng hàng loạt những công nghệ hỗ trợ.
Chuyển sang Off-road, bài thử này nhiều thách thức hơn. Ngồi lên ghế lái chiếc Range Rover Evoque. Tôi định chuyển sang chế độ nào đó hỗ trợ off-road để tự tin đạp ga, nhưng hướng dẫn viên giải thích, xe đã chọn ATPC (All Terrain Progress Control) - hệ thống kiểm soát đa địa hình. Hiểu một cách đơn giản nhất, ATPC chính là Kiểm soát hành trình dành cho đường off-road, hoạt động trong dải tốc độ 0-30 km/h.
Bỏ hết chân ga, chân phanh, điều chỉnh tốc độ trên vô-lăng, gặp đường ngập nước, ở dưới là bùn lầy hoặc đường lòng chảo, dốc nghiêng, xe sẽ tự điều chỉnh lượng mô-men xoắn đến các bánh để tạo độ bám tốt nhất, vượt qua địa hình. Khó nhất là đoạn đường gập ghềnh bánh thấp bánh cao, loại địa hình khiến khung xe xoắn vặn mạnh nhất, bánh xe liên tục mất bám xoay tít. Đây là thử thách mỗi lần thử chạy off-road, vì nếu bạn đạp quá nhiều ga, vòng tua máy lớn sẽ khiến bánh xe quay tít càng sa lầy, đạp ít ga thì không đủ lực kéo vượt hố. Tua máy hợp lý là duy trì ở ngưỡng1.500 vòng/phút, nhưng nếu không phải là dân off-road chuyên nghiệp, rất khó để làm điều này trong khi bạn đang cố giữ chặt tay lái, trước mặt thì không nhìn thấy gì.
Lúc này ATPC mới cho thấy tác dụng lớn nhất. Tài xế giữ tay lái và... ngồi im cảm nhận. Xe tự ga, các bánh lơ lửng trong không trung và bánh dưới hố sâu bắt đầu giãy, sau khoảng chưa đến 10 giây, bánh đã bám đường và vượt hố. Cứ như vậy cho những lần sau, thử thách được chinh phục, khi mà tài xế còn không làm gì.
Loại công nghệ kiểm soát hành trình cho địa hình off-road sẽ là thứ công nghệ có thể bị những tay mê bùn đất "ghét cay ghét đắng" vì khiến những kỹ năng kiểm soát xe của họ trở nên thừa thãi. Ngược lại, với những khách hàng quần là áo lượt, vốn không có khái niệm về "đi đường địa hình" thì ATPC trở thành một tài xế phụ siêu việt. Land Rover không biết khách hàng mua xe để chạy ở những đâu, nhưng với lượng công nghệ này, những chiếc SUV Anh quốc mang tới sự yên tâm cho người cầm lái. Tất nhiên, đánh đổi những lợi ích đó, là mức giá nhiều tỷ đồng.
Đức Huy