Tháng 11/2006, Đô đốc Gary Roughead, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc để cải thiện quan hệ và lên kế hoạch cho đợt diễn tập chung giữa hải quân hai nước vào cuối tháng.
Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Roughead đã bị phủ bóng bởi một sự cố gây sốc diễn ra trước đó hai tuần, khi một tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo đã vượt qua lớp phòng thủ dày đặc, sau đó nổi lên giữa nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ mà không bị phát hiện, theo War History.
Ngày 26/10, khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk đang diễn tập gần đảo Okinawa, Nhật Bản thì một tàu ngầm Type-039 (lớp Tống) Trung Quốc bỗng nhiên nổi lên giữa đội hình của họ, cách tàu sân bay Mỹ chỉ 8 km.
Hàng loạt chiến hạm hộ tống tàu USS Kitty Hawk lúc đó, bao gồm cả tàu ngầm và tàu khu trục mang trực thăng săn ngầm, đều không phát hiện được tàu ngầm Trung Quốc đang tiếp cận. Nếu trong tình huống tác chiến, tàu ngầm Type-039 này có thể dễ dàng hạ gục tàu sân bay Mỹ bằng ngư lôi hoặc tên lửa diệt hạm.
Type-039 là tàu ngầm diesel-điện đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển hoàn toàn, được trang bị động cơ diesel MTU 396 SE84 của Đức. Nó cũng là tàu ngầm đầu tiên của Bắc Kinh ứng dụng thiết kế vỏ hình giọt nước hiện đại.
Tàu ngầm lớp Tống được trang bị được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) và tên lửa hành trình diệt hạm cùng ngư lôi dẫn đường do Nga chế tạo, đủ để trở thành mối đe dọa thực sự với bất cứ chiến hạm nào.
Không ai nắm rõ thời gian tàu ngầm Trung Quốc bám đuôi tàu sân bay Mỹ, nhưng sự việc này cho thấy hải quân Mỹ đã trở nên thiếu cảnh giác, nhất là khi không còn mối đe dọa từ tàu ngầm Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Mỹ không còn chú trọng đến năng lực tác chiến chống ngầm, tin rằng Trung Quốc phải mất nhiều thập kỷ mới đủ sức đe dọa tàu sân bay của họ.
Quan chức quân đội Trung Quốc bác bỏ cáo buộc tàu ngầm họ bám đuôi tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, sự cố này có vẻ không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Việc không phát hiện được chiếc Type-039 cho thấy hải quân Mỹ đã coi thường sự phát triển hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, cũng như đánh giá thấp mức độ hiện đại của họ.
Một quan chức NATO gọi sự cố này là cú sốc ngang sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo vào năm 1957, đánh bại Mỹ và khởi đầu kỷ nguyên chạy đua không gian.
Đô đốc William Fallon, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết điều may mắn là khi xảy ra sự cố, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk không tiến hành hoạt động chống ngầm. Nếu không, việc chiếc Type-039 nổi lên giữa đội hình có thể gây leo thang căng thẳng đến mức khó lường.
Bất chấp sự cố này, cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn giữa hải quân hai nước vẫn diễn ra như dự kiến vào ngày 19/11 năm đó. Tàu sân bay USS Kitty Hawk bị loại biên vào năm 2009, ba năm sau sự cố gây sốc với chiếc Type-039.
Duy Sơn