Chiếc SR-71 vỡ tung trên bầu trời
SR-71 là máy bay trinh sát chiến lược có khả năng bay ở độ cao gần 27 km với vận tốc 3.675 km/h, buộc tổ lái hai người phải mặc bộ đồ kháng áp đặc biệt để đảm bảo an toàn. Ngày 25/1/1966, cơ chế bảo vệ của bộ đồ này được kiểm chứng trên chiếc SR-71 số hiệu 952 khi nó bị vỡ tan giữa không trung trong một chuyến bay thử nghiệm, theo Aviationist.
Chuyến bay này nhằm kiểm tra quy trình giúp giảm lực cản và cải thiện hiệu suất hành trình ở tốc độ siêu thanh, trong điều kiện trọng tâm của máy bay nằm lệch về phía đuôi hơn mức bình thường, vốn làm giảm sự cân bằng theo chiều dọc của chiếc SR-71.
Trong buồng lái chiếc SR-71 số hiệu 952 này là phi công thử nghiệm Bill Weaver và chuyên gia đánh giá bay Zim Zwayer. Họ cất cánh từ căn cứ không quân Edwards, tiếp dầu từ máy bay KC-135 rồi tăng tốc lên 3.950 km/h và đạt độ cao hành trình 23,7 km.
Khi thực hiện động tác vòng phải với góc nghiêng 35 độ theo kế hoạch, động cơ bên phải chiếc SR-71 chết máy đột ngột. Lực đẩy khổng lồ từ động cơ còn lại khiến phi cơ xoay vòng mất kiểm soát. Các bộ phận trên máy bay bắt đầu bung ra xung quanh hai thành viên tổ bay.
Cơ hội sống sót của phi công khi bật ghế phóng thoát hiểm ở vận tốc và độ cao như vậy là rất nhỏ. Weaver và Zwayer quyết định bám trụ, tìm cách kiểm soát máy bay cho tới khi có thể giảm tốc và hạ độ cao. Tuy nhiên, các lỗi hệ thống khiến họ không còn khả năng điều khiển chiếc SR-71. Weaver cho biết mọi thứ như diễn ra trong phim quay chậm, dù chỉ kéo dài trong vòng vài giây.
"Tôi cố gắng giữ liên lạc với Jim, nhưng nhanh chóng bất tỉnh do chịu lực gia tốc quá lớn. Chiếc SR-71 vỡ tung quanh chúng tôi theo đúng nghĩa đen", phi công Weaver nhớ lại.
Weaver cố gắng xác định chuyện gì đang diễn ra, cho rằng mình không thể sống sót. Bằng cách nào đó, ông văng khỏi máy bay khi chưa bật ghế phóng. Tiếng xé gió giúp Weaver biết mình đang rơi tự do, nhưng không thể nhìn thấy gì do mũ bay bị phủ một lớp băng mỏng.
Bộ đồ kháng áp phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ Weaver. Nó vừa cung cấp oxy vừa điều áp bên trong, ngăn máu trong cơ thể Weaver sôi ở áp suất cực thấp trên độ cao 24 km. Việc tự bơm phồng cũng giúp bộ đồ bảo vệ Weaver khỏi va đập mạnh và gia tốc quá tải khi rơi tự do, giống một chiếc kén thoát hiểm thu nhỏ.
Một thiết bị khác đảm bảo tính mạng cho phi công SR-71 là hệ thống dù. Để ngăn cơ thể lộn nhào và chấn thương do lực ly tâm, nhà sản xuất trang bị một dù nhỏ giúp phi công ổn định ngay sau khi thoát hiểm, trước khi dù chính bung ở độ cao an toàn.
Do Weaver không tự kích hoạt ghế phóng, ông nghĩ hệ thống ổn định không được mở. Tuy nhiên, phi công này nhanh chóng phát hiện cơ thể rơi thẳng xuống và không bị lộn nhào, cho thấy hệ thống dù nhỏ đã hoạt động bình thường. Dù chính được thiết kế để tự động bung ở độ cao 4,5 km, nhưng Weaver không chắc cơ chế này sẽ vận hành bình thường. Ông quyết định mở tấm che mặt để ước lượng độ cao. Đúng lúc đó, dù chính bung ra để hãm tốc độ tiếp đất của Weaver.
Sau khi đáp xuống mặt đất, Weaver được đưa đến bệnh viện điều trị, sau đó mới biết tin Zwayer đã thiệt mạng. Cuộc điều tra kết luận phần mũi chiếc SR-71 bị đứt rời ở phía sau buồng lái và rơi cách phần thân khoảng 15 km. Lực gia tốc rất lớn đã đẩy Weaver và Zwayer văng khỏi máy bay dù cơ chế phóng ghế thoát hiểm chưa được kích hoạt.
Sau vụ tai nạn, các thử nghiệm lệch trọng tâm trên SR-71 bị đình chỉ hoàn toàn. Sự cố khiến động cơ J-58 ngừng hoạt động cũng được giải quyết nhờ hệ thống điều khiển điện tử tự động.
Duy Sơn