Trong khi số vụ bắt giữ tại Nhật ổn định theo hướng giảm dần trong vòng 17 năm qua, "tội phạm tóc bạc", hiện tượng người cao tuổi (trên 65 tuổi) phạm tội, lại có xu hướng khác biệt rõ rệt, theo số liệu do Bộ Tư pháp công bố ngày 24/11 trong sách trắng hàng năm về thống kê và xu hướng tội phạm.
Cụ thể, tội danh trộm cắp tài sản chiếm chưa đầy một nửa tổng số vụ phạm tội được ghi nhận, nhưng chiếm tới 70% số vụ bắt giữ người trên 70 tuổi. Trong gần 42.500 người cao tuổi bị bắt năm 2019, một phần ba là phụ nữ. Trung bình 10 phụ nữ bị bắt có 9 người trộm đồ trong siêu thị hoặc trộm cắp tài sản.
Shinichi Ishizuka, giáo sư luật kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học thuộc Đại học Ryukoku, thành phố Kyoto, nhận định có một vài yếu tố đằng sau làn sóng "tội phạm tóc bạc".
Nhiều trường hợp là người cao tuổi sống một mình sau khi bạn đời mất và không thường xuyên gặp mặt con cái đang ở riêng. Vì bị tách biệt và thường thấy buồn chán, những người này ăn trộm để được người khác chú ý. Shinichi Ishizuka cho hay đánh giá trên được dựa trên thống kê của Bộ Tư pháp rằng 48,8% người bị khởi tố là người tái phạm nhiều lần.
Với một số người khác, động cơ phạm tội chỉ đơn giản có đủ tiền hoặc thức ăn sống qua ngày. Tình cảnh này có thể trở nên tồi tệ hơn trong Covid-19 và khi thù lao từ những công việc bán thời gian mà người đã về hưu nhận làm để bổ trợ cho khoản hưu trí ít ỏi dần giảm sút.
Ví dụ, cuối tháng 9, cảnh sát tại Yokohama bắt giữ cụ ông 77 tuổi vì tình nghi ăn cắp 1.500 yên Nhật trong hòm tiền công đức. Không có chỗ ở cố định và thất nghiệp, cụ ông được cho là đã trộm tiền một vài lần từ đầu mùa hè.
Hiện, Bộ Tư pháp đã khởi xướng dự án nghiên cứu để hiểu rõ hơn nguồn gốc vấn đề và ngăn chặn làn sóng "tội phạm tóc bạc". Phòng cảnh sát ở những nơi có số lượng lớn tội phạm do người cao tuổi thực hiện đã xây dựng bản câu hỏi cho người gây án để thực hiện khảo sát.
Hơn một phần tư dân số Nhật Bản là người trên 65 tuổi. Tỉ lệ này dự kiến đạt một phần ba vào năm 2050.
Quốc Đạt (Theo SCMP)