Ngay trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn tại Mỹ năm ngoái, CEO Amazon Andy Jassy xác nhận tin đồn sa thải hàng loạt và cho biết sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu nhân sự trong năm mới. Tuần trước, ông thông báo cắt giảm hơn 18.000 nhân viên, gần gấp đôi tin đồn và cũng là lớn nhất trong giới công nghệ gần đây.
Cùng ngày, hãng điện toán đám mây Salesforce cũng cho biết sẽ cắt giảm 10% nhân sự, tương đương hàng nghìn lao động. Nền tảng chia sẻ video Vimeo cũng thông báo sa thải 11%. Một ngày sau đó, công ty thời trang số Stitch Fix tiết lộ kế hoạch giảm tới 20% nhân sự, sau khi đã sa thải 15% năm ngoái.
Việc này diễn ra trong bối cảnh các hãng công nghệ đối mặt với hàng loạt thách thức. Khi nhu cầu dịch vụ số bùng nổ trong đại dịch, họ ồ ạt tuyển dụng. Sau đó, nhu cầu giảm dần khi đại dịch được kiềm chế, mọi người dần quay về cuộc sống bình thường. Lãi suất tăng càng siết dòng tiền mà các hãng công nghệ đang dựa vào để tạo ra đột phá trong tương lai.
Tại nhiều hãng công nghệ, nửa cuối năm ngoái được đánh dấu bằng các thông báo ngừng tuyển dụng, sa thải hàng loạt và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, nếu 2022 được coi là năm chấm dứt thời kỳ thịnh vượng của các hãng công nghệ, 2023 có thể trở thành năm mà mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Nỗi lo suy thoái và bất ổn kinh tế vẫn đang đè nặng lên người tiêu dùng và các chính trị gia. Việc tăng lãi suất cũng được dự báo còn tiếp diễn. Dù cắt giảm còn diễn ra ở một số ngành khác, tình hình tại Thung lũng Silicon nổi bật nhất, trái ngược với sức khỏe của nền kinh tế nói chung.
Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước cho thấy nước này đã có năm 2022 tăng trưởng việc làm rất mạnh. Đây là năm tốt thứ nhì trong lịch sử thị trường lao động kể từ 1939. Trong khi đó, báo cáo khác từ hãng nghiên cứu Challenger, Gray & Christmas chỉ ra số lao động bị sa thải trong ngành công nghệ tăng 649% năm ngoái so với năm trước đó. Mức tăng này của nền kinh tế Mỹ chỉ là 13%.
Trong thông báo gửi nhân viên tháng này, Jassy cũng nhấn mạnh nhu cầu cắt giảm chi phí tại Amazon, do "nền kinh tế bất ổn và chúng tôi đã tuyển dụng quá nhanh trong vài năm qua". Các doanh nghiệp khác cũng lấy lý do tương tự.
Trong loạt bài xin lỗi, các lãnh đạo công nghệ từ Mark Zuckerberg của Meta đến Marc Benioff của Salesforce giải thích họ đã đánh giá sai về sức giảm nhu cầu với sản phẩm công nghệ sau khi đại dịch được kiểm soát.
"Môi trường kinh tế quá thách thức. Đó là lý do chúng tôi phải ra quyết định khó khăn là giảm 10% nhân sự, chủ yếu trong tuần tới", Marc Benioff cho biết, "khi doanh thu tăng nhanh trong đại dịch, chúng tôi đã tuyển quá nhiều người, khiến chúng ta rơi vào tình hình như hiện tại. Tôi nhận trách nhiệm về việc này". Dù vậy, hiện chưa rõ liệu Benioff có phải từ chức hay bị cắt lương thưởng hay không.
Patricia Campos-Medina – Giám đốc Viện Lao động tại Trường Quan hệ Lao động và Công nghiệp thuộc Đại học Cornell cho rằng đây chỉ là "lời xin lỗi rỗng tuếch" với những lao động phải trả giá vì tính toán sai lầm của họ. Dù vậy, bà cho rằng "đây là nhóm lao động tay nghề cao, sẽ tìm được cách khác để tái gia nhập nền kinh tế và "ổn định hơn trong trung đến dài hạn".
Tuy nhiên, tình hình này chưa có dấu hiệu chấm dứt. Dan Ives – nhà phân tích tại Công ty chứng khoán Wedbush tuần trước cho biết việc sa thải của Salesforce và Amazon đã "nối dài xu hướng chúng tôi dự báo tiếp diễn trong năm 2023, khi lĩnh vực công nghệ điều chỉnh theo nhu cầu giảm".
Thậm chí, nhiều người còn lo ngại tác động từ làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ lan rộng. "Tôi cho rằng chúng ta sẽ ghi nhận tăng trưởng việc làm chậm lại. Tác động từ sa thải trong doanh nghiệp công nghệ sẽ phản ánh vào nền kinh tế chung cuối quý này", John Leer – kinh tế trưởng tại Morning Consult cho biết trên CNN.
Một lần nữa, lĩnh vực công nghệ lại dẫn dắt nền kinh tế, nhưng không phải theo cách mà họ muốn.
Hà Thu (theo CNN)