Tổng thống Donald Trump ngày 1/2 ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế, ra lệnh tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ ba nước đối tác lớn nhất của Mỹ gồm Canada, Mexico và Trung Quốc.
Lệnh áp thuế mới của ông Trump với ba nước này đều có điều khoản ngừng miễn thuế đối với các lô hàng có giá trị dưới 800 USD, vốn được xem là lỗ hổng cho phép nhiều kiện hàng fentanyl và các tiền chất vào Mỹ. Ông Trump cho biết một trong những động lực chính để áp thuế nhập khẩu ba nước là chặn lỗ hổng này.
Dưới sức ép từ đòn áp thuế của ông Trump, Mexico đã đồng ý siết kiểm soát biên giới phía bắc, nhằm chặn hoạt động buôn lậu, đặc biệt là fentanyl, vào Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thông báo nước này sẽ triển khai công nghệ và nhân sự mới dọc biên giới với Mỹ nhằm chặn việc buôn lậu fentanyl. Đổi lại, Mỹ sẽ lùi thời hạn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada thêm một tháng.
Trước đây, những lô hàng giá trị nhỏ, dưới 800 USD, thường không bị hải quan kiểm tra để tính thuế, tạo điều kiện cho các thương nhân dễ dàng tuồn hàng vào Mỹ mà không bị phát hiện. Một cuộc điều tra của Reuters năm ngoái tiết lộ cách các tay buôn hóa chất Trung Quốc lợi dụng cơ chế miễn thuế cho hàng giá trị nhỏ (de minimis) để đưa các lô hàng tiền chất đến Mỹ, từ đó chúng được vận chuyển qua biên giới tới các cơ sở sản xuất fentanyl ở Mexico.
"Cơ chế miễn thuế de minimis đã bị nhiều ngành công nghiệp nhập khẩu lạm dụng. Đây là vấn đề được quốc hội, chính quyền hiện tại và tiền nhiệm công nhận", Tim Brightbill, đồng chủ tịch công ty luật Wiley Rein về các vấn đề thương mại có trụ sở ở Mỹ, cho hay.
Trong khi các nhà cung cấp ở Trung Quốc và các băng nhóm tội phạm ở Mexico từ lâu bị cáo buộc buôn bán fentanyl vào Mỹ, sắc lệnh thuế quan của ông Trump đối với Canada có phần mở đầu rằng vấn nạn buôn bán ma túy từ nước này đang gia tăng.
"Các mạng lưới tội phạm có liên quan tới hoạt động buôn người và buôn lậu, cho phép di cư bất hợp pháp qua biên giới phía bắc của chúng tôi. Ngoài ra, tình trạng băng đảng Mexico điều hành cơ sở điều chế fentanyl và nitazene ở Canada ngày càng tăng", sắc lệnh nêu rõ.
Nitazene là hợp chất tương tự fentanyl. Sắc lệnh nói thêm tình trạng buôn bán ma túy lợi dụng chính sách de minimis đã "tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Mỹ".
Việc lạm dụng fentanyl, thuốc giảm đau gây nghiện và mạnh hơn morphine 50-100 lần, đã khiến gần 75.000 người tử vong ở Mỹ trong năm 2023, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Số hàng miễn thuế theo cơ chế de minimis vào Mỹ đã tăng đáng kể từ năm 2015, khi ngưỡng miễn thuế được nâng từ 200 USD lên 800 USD mỗi lô. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) ước tính hiện họ xử lý hơn một tỷ lô hàng như vậy mỗi năm. Dữ liệu của Cục Thống kê cho thấy các lô hàng có giá trị thấp là danh mục nhập khẩu lớn thứ 8 của Mỹ từ Trung Quốc, với tổng giá trị lên tới 4,7 tỷ USD năm 2023, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014.
Tổng thống Joe Biden trước khi rời nhiệm sở hồi tháng 1 đã ban hành quy tắc mới nhằm hạn chế cơ chế de minimis trên toàn cầu, từ chối miễn trừ thuế các lô hàng giá trị thấp đối với hàng hóa nằm trong danh mục trừng phạt thuế quan khác của Mỹ.
Chính quyền ông Biden trước đó tuyên bố đang nỗ lực hạn chế "lỗ hổng" thương mại mà các tay buôn lợi dụng để tuồn tiền chất fentanyl vào Mỹ.
Fentanyl là nguyên nhân hàng đầu khiến số ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây. Tỷ lệ tử vong do quá liều fentanyl gần đây giảm một chút, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với 5 năm trước.
Năm 2021, hơn 107.000 người Mỹ chết vì dùng thuốc quá liều, trong đó 70% tử vong liên quan tới fentanyl hoặc opioid tổng hợp tương tự. Năm 2022, fentanyl khiến trung bình 200 người chết mỗi ngày. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ năm 2023 từng tuyên bố fentanyl là "thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt".
Chấm dứt cuộc khủng hoảng fentanyl là nhiệm vụ không dễ dàng, theo giới quan sát. Khi các chính sách trong quá khứ không thể kiềm chế tỷ lệ tử vong do fentanyl, Tổng thống Trump muốn chuyển sang công cụ khác để giải quyết vấn đề là chính sách thương mại.
Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã cam kết áp thuế với Canada và Mexico nếu họ không ngăn dòng chảy ma túy qua biên giới Mỹ, cũng như dọa giáng đòn thuế quan với Trung Quốc nếu họ không làm nhiều hơn để kiểm soát sản xuất tiền chất tổng hợp fentanyl.
Các cơ quan thực thi pháp luật và quan chức chính phủ Mỹ đều đồng tình rằng hầu hết tiền chất được sử dụng để tổng hợp fentanyl đều bắt nguồn từ mạng lưới cung ứng từ các công ty ở Trung Quốc đến băng đảng ma túy ở Mexico. Mỹ nhiều năm qua cáo buộc Trung Quốc ngăn cản nỗ lực nhắm vào chuỗi cung ứng tiền chất này, điều mà Bắc Kinh bác bỏ.
Năm 2019, dưới áp lực thuế từ ông Trump, Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách trấn áp như thêm fentanyl vào danh sách chất bị kiểm soát.
Năm 2024, dưới thời chính quyền Biden, giới chức Trung Quốc triển khai quy định mới giúp trấn áp hoạt động rửa tiền của các tổ chức ma túy và thực hiện một số vụ bắt giữ. Đến tháng 10/2024, ngày càng có nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ về buôn lậu fentanyl nói rằng những biện pháp này cuối cùng đã siết dòng chảy fentanyl tới Mỹ, khiến loại thuốc này khó tìm mua hơn.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đòn thuế quan mới của ông Trump sẽ làm suy yếu nỗ lực hợp tác chống buôn bán ma túy.
Chính quyền Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng tăng cường các biện pháp chống tội phạm ma túy, tích cực hợp tác với giới chức hành pháp Mỹ để nhắm vào các băng đảng. Theo Cục Phòng chống Tội phạm Ma túy Mỹ, lượng fentanyl bị Mỹ thu giữ ở biên giới phía nam đã giảm khoảng 20% trong năm ngoái.
Chuyên gia nhận xét đây là bước thay đổi mạnh mẽ của Mexico so với chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền cựu tổng thống Andrés Manuel López Obrador từng gây tranh cãi khi thực thi chính sách mềm mỏng với các băng đảng ma túy. Hầu hết chuyên gia cho rằng các băng đảng ở Mexico đã hối lộ nhiều quan chức chính phủ để được hoạt động thuận lợi.
Trong sắc lệnh áp thuế, ông Trump nói Canada đang chứng kiến "sự gia tăng tình trạng phân phối ma túy", khi nhiều băng đảng Mexico hoạt động ở quốc gia Bắc Mỹ này. Song các chuyên gia thực thi pháp luật cho rằng Canada chỉ đóng một phần nhỏ trong vấn nạn buôn lậu fentanyl vào Mỹ.
Thủ tướng Trudeau tối 1/2 cho biết số ma túy được tuồn lậu từ Canada chiếm chưa tới 1% nguồn cung fentanyl ở Mỹ. Dữ liệu từ Cục Phòng chống Tội phạm Ma túy Mỹ chỉ ra năm 2024, chỉ có khoảng hơn 19 kg fentanyl bị thu giữ ở biên giới phía bắc, con số rất nhỏ so với hơn 9,5 tấn thu được ở biên giới giáp Mexico.
Trước khi ông Trump tuyên bố áp thuế, cơ quan hành pháp Canada đã có kế hoạch trấn áp các nhóm sản xuất fentanyl với hy vọng kiềm chế cuộc khủng hoảng dùng thuốc ở chính nước này.
Daniel Anson, giám đốc phụ trách tình báo và điều tra thuộc Cơ quan Quản lý Biên giới Canada, khẳng định "chúng tôi chắc chắn sẽ không trở thành mắt xích yếu" trong hoạt động buôn lậu fetanyl vào Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ dường như muốn Canada quyết tâm hơn. Howard Lutnick, ứng viên Bộ trưởng Thương mại, trong phiên điều trần xác nhận vị trí tuần trước kêu gọi Canada "tôn trọng nước Mỹ".
"Nếu chúng tôi là đối tác thương mại lớn nhất của các vị, hãy thể hiện sự tôn trọng với chúng tôi. Hãy đóng cửa biên giới và chấm dứt tình trạng fentanyl tràn vào đất nước này", Lutnick nói.
Thùy Lâm (Theo NPR, The Conversation, Reuters)