Tỷ lệ lây nhiễm tại châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2. Các biến thể nCoV mới được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong khi đó, hàng loạt quốc gia bị sa lầy trong một chiến dịch tiêm chủng chậm chạp. Một số nước chuẩn bị áp lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt mới trong vài ngày tới.
Tại Italy, nhà chức trách ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm nCoV, với 21.315 trường hợp dương tính mới ngày 15/3. Thủ tướng Mario Draghi cho biết: "Hơn một năm sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Ký ức về mùa xuân năm ngoái vẫn sống động, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn nó xảy ra lần nữa".
Khoảng 10 thành phố, bao gồm Rome, Milan và Venice, bắt đầu phong tỏa kể từ ngày 15/3 đến hết 6/4. Chính quyền ông Draghi đã thông qua sắc lệnh này hôm 13/3.
Đất nước được chia thành "vùng đỏ" và "vùng cam", tùy tình hình dịch bệnh. Tại "vùng đỏ", người dân không được rời khỏi nhà, trừ trường hợp đi làm hoặc đến bệnh viện. Tất cả cửa hàng không thiết yếu bị đóng. Ở "vùng cam", mọi người không ra khỏi thị trấn hoặc thành phố. Nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Cuối tuần lễ Phục sinh, toàn quốc được coi là "vùng đỏ". Theo Bộ Y tế, mục tiêu là khiến hệ số lây nhiễm (số người lây nCoV từ một bệnh nhân) giảm xuống.
Tình hình ở Pháp căng thẳng tương tự. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho rằng dịch bệnh ở Paris rất "đáng lo ngại". Ông tiết lộ: "Cứ 12 phút mỗi ngày, một người Paris được đưa vào khu hồi sức tích cực".
Tổng thống Emmanuel Macron đã tái áp lệnh giới nghiêm và giãn cách xã hội ở một số khu vực. Nhiều bác sĩ thúc ép ông đưa ra biện pháp mạnh tay hơn. Người đứng đầu cơ quan y tế quốc gia, ông Jerome Salomon, cho biết: "Nếu thấy cần phong tỏa, chúng tôi sẽ làm điều đó. Tình hình trở nên phức tạp, căng thẳng và tồi tệ hơn ở khu vực Paris".
Salomon thừa nhận lệnh giới nghiêm 18h trên toàn quốc "không đủ" để ngăn chặn số ca nhiễm tăng đột biến ở một số khu vực, đặc biệt khi biến chủng nCoV Anh đang lây lan nhanh chóng.
Tính đến 15/3, Pháp ghi nhận hơn 4,7 triệu người dương tính nCoV, với 26.000 ca nhiễm mới. Số người chết là 90.429. Theo ông Salomon, khoảng 6.300 người đang điều trị trong khu hồi sức tích cực.
Từ hôm 12/3, Đức tuyên bố bước vào làn sóng Covid-19 thứ ba, diễn ra trong thời điểm đất nước nới dần lệnh hạn chế, chính phủ đẩy nhanh tiêm chủng càng nhiều người càng tốt. Thủ tướng Angela Merkel trước đó cảnh báo Đức có thể đối mặt với đợt bùng phát mới nếu dỡ bỏ lệnh hạn chế quá nhanh.
Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Bệnh truyền nhiễm Robert Koch, tuyên bố: "Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy làn sóng thứ ba tại Đức đã bắt đầu. Virus sẽ không biến mất, nhưng một khi có mức độ miễn dịch cơ bản trong cộng đồng, chúng ta sẽ kiểm soát được nó".
Wieler lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, mô tả chiến dịch tiêm chủng là cuộc chạy đua chống lại loại virus không ngừng phát triển. Tuy nhiên ông bày tỏ tin tưởng rằng cuối cùng, nước này sẽ dập dịch thành công.
Ngày 15/3, Đức ghi nhận thêm 8.900 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 của nước này lên hơn 2,5 triệu. Số ca tử vong là 73.959 người.
Covid-19 lần đầu bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu hồi tháng 3/2020. Các nước áp lệnh phong tỏa kể từ ngày 17/3 đến khoảng giữa tháng 4, năm ngoái. Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ấy là Italy và Tây Ban Nha. Covid-19 cũng lây lan mạnh mẽ ở các nền kinh tế lớn khác như Đức, Pháp và Anh.
Làn sóng thứ hai quét qua châu Âu vào cuối tháng 10 năm ngoái, với sự xuất hiện các biến thể nCoV mới lây lan nhanh hơn. Giới chức các nước ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 30/1.
Sau khi triển khai tiêm chủng, đầu tháng 3 nhiều quốc gia từng bước nới hạn chế, song dịch bệnh nhanh chóng quay trở lại.
Thục Linh (Theo Guardian, AFP, CNBC, CNN)