Bác sĩ Thắng là Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115, chuyên gia về thần kinh và đột quỵ. Ông là người Việt đầu tiên được tổ chức Đột quỵ Thế giới vinh danh vì sự cống hiến trong quá trình xây dựng mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam, năm 2021.
Ngày 26/2, chia sẻ với VnExpress, ông cho biết điều trị đột quỵ được xem là điều trị cấp cứu, bác sĩ phải ra chỉ định can thiệp chỉ trong vòng vài phút để cứu bệnh nhân, do vậy khả năng sai sót có thể cao hơn bình thường.
"Nghề điều trị cấp là nghề ở giữa lằn ranh sống chết, nếu chỉ định cứu sống được bệnh nhân thì bác sĩ là người hùng, chỉ định dẫn đến kết quả xấu thì nhiều người nhà có thể xem bác sĩ là tội đồ", ông Thắng bày tỏ, nhìn nhận 30 năm trong nghề ông cũng có lúc chỉ định sai, nhưng "một bác sĩ ra 10 chỉ định, nếu thành công trong 8 trường hợp, thì có thể được xem là bác sĩ giỏi".
Mới đây, một bệnh nhân đột quỵ được đưa vào viện, các dấu hiệu cho thấy đã quá trễ. 10 phút sau khi bệnh nhân nhập viện, nhóm điều trị của bác sĩ Thắng đã nhận được hồ sơ bệnh án. Họ hội chẩn rất nhanh, nhiều ý kiến đưa ra trái ngược nhau, rằng can thiệp hay không thể cứu. Lúc này, quyết định của bác sĩ rất quan trọng, bởi nắm giữ sinh mạng của người bệnh. Cuối cùng, bác sĩ Thắng đánh giá "không thể can thiệp" dựa trên các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân và kinh nghiệm điều trị đột quỵ. "Đây cũng có thể là quyết định sai", ông cho biết, thêm rằng "Không ai có thể khẳng định mình không ra quyết định sai trong quá trình hành nghề y".
Cùng lúc, bác sĩ Thắng nhận được cuộc điện thoại từ đồng nghiệp ở Viện Tim TP HCM - nơi cách Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ một con đường - báo một bệnh nhân tại đây vừa lên cơn đột quỵ đã liệt nửa người. Ông đề nghị đưa ngay bệnh nhân sang Bệnh viện Nhân dân 115. Trong khi di chuyển bệnh nhân thì toàn bộ kết quả chụp chiếu, xét nghiệm đã được Viện Tim gửi online cho ông, ê kíp can thiệp tại 115 cũng chuẩn bị sẵn sàng.
Chỉ vài phút sau, bệnh nhân được đưa đến phòng chụp cắt lớp não vi tính (khoa Bệnh lý Mạch máu), sau khi xác nhận bị tắc động mạch não. Bệnh nhân được truyền ngay thuốc tiêu sợi huyết và chuyển vào phòng can thiệp tái thông mạch máu. Sau khoảng một giờ, cục huyết khối đã được lấy trọn thành công, và chỉ 2 giờ sau bệnh nhân có thể tự nhấc hai chân lên cao, hoàn toàn không còn liệt nữa.
Đây là ca hồi phục được bác sĩ Thắng đánh giá "kỳ diệu, phép màu", xua tan nỗi u ám bởi không cứu được bệnh nhân trước và tạo động lực cho ê kíp điều trị.
Trong điều trị đột quỵ, bác sĩ phải chạy đua với thời gian, điều trị càng sớm sau khi bệnh nhân khởi phát dấu hiệu đột quỵ (thời gian vàng 3 giờ) thì khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao, và ngược lại. Như bệnh nhân chuyển từ Viện Tim ở trên, hồi phục hoàn toàn nhờ được can thiệp tái thông rất sớm và chỉ định điều trị đúng lúc, theo bác sĩ Thắng.
Ngày 26/2, khoa Bệnh lý Mạch máu tiếp nhận gần 50 bệnh nhân cấp cứu, 170 bệnh nhân đang nội trú. Khoa quá tải, buộc phải cho bệnh nhân ra viện sớm hoặc chuyển sang bệnh viện tuyến dưới, một số gửi sang khoa khác có thể điều trị phù hợp, để có giường nằm cho bệnh nhân mới.
Giải quyết chỗ nằm cho bệnh nhân không khó, bài toán khó hơn của bác sĩ điều trị đột quỵ là làm sao cứu được mạng sống bệnh nhân và hồi phục với ít di chứng nhất. Ông Thắng cho biết: "Chúng tôi thường nhắc nhở với nhau rằng ở phía trước mặt bác sĩ là sự sống, còn sau lưng bác sĩ là ngôi mộ chúng tôi góp phần đắp nên. Hiểu như vậy để trước khi ra một chỉ định điều trị có xâm lấn, bác sĩ phải cân nhắc thật thận trọng giữa nguy cơ và lợi ích với bệnh nhân".
Ông nói rằng y khoa là ngành y học chứng cứ, tức y học có lợi cho bệnh nhân thì bác sĩ làm, còn đánh giá lợi hay không thì dựa vào các dấu hiệu bệnh lý của bệnh nhân. Với một bác sĩ, có hai ngưỡng để chọn lựa trong điều trị là ngưỡng an toàn và ngưỡng rủi ro.
Ngưỡng an toàn tức là khi bệnh nhân nhập viện có các triệu chứng lâm sàng tùy giai đoạn khởi phát hay tiến triển, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị thường quy miễn sao giữ được mạng sống người bệnh. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng với nhiều di chứng liệt tay chân, và mất thêm nhiều chức năng thần kinh khác. Khi ấy, bác sĩ vẫn được bệnh nhân cảm kích.
Nhưng một bác sĩ ra chỉ định điều trị cấp, sẽ chấp nhận rủi ro để áp dụng các biện pháp can thiệp quyết liệt hơn, một số ít bệnh nhân có thể xấu đi trong quá trình tiến hành kỹ thuật đó, nhưng nhiều trường hợp sẽ hồi phục nhanh, không bị di chứng, ít bị biến chứng. Khi ấy, bác sĩ đặt nguy cơ của mình cao ngang với nguy cơ của người bệnh.
Ông cho rằng, cách để bác sĩ hạn chế thấp nhất sai sót trong chuyên môn là không ngừng nghiên cứu và học hỏi để bồi bổ kiến thức, đúc kết kinh nghiệm. Đây cũng là điều ông muốn khuyên các bác sĩ trẻ, sinh viên y khoa - thế hệ kế tục của ngành y Việt Nam. Với ông, để trở thành một bác sĩ giỏi, "kiến thức là quan trọng nhất giúp có thể ra những quyết định chính xác, có lợi cho người bệnh, kế đến là mọi quyết định phải dựa trên lương tâm và đạo đức để tránh làm hại người bệnh".
Lời cám ơn của bệnh nhân khi hồi phục, theo bác sĩ Thắng, ngoài giá trị tinh thần là "sự sung sướng khi cứu được tính mạng một người", còn mang ý nghĩa giúp người thầy thuốc theo dõi, đánh giá lại xem phương pháp mình áp dụng cho bệnh nhân hiệu quả đến đâu.
Bộ Y tế ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ mỗi năm và có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ tử vong 15-20%. Nghiên cứu tại 10 trung tâm điều trị đột quỵ trên cả nước, kết quả công bố vào tháng 11/2022, cho thấy độ tuổi đột quỵ trung bình ở người Việt là 65, tỷ lệ nam giới cao hơn 1,5 lần so với nữ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên trung bình khoảng 2% mỗi năm, với bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ.
Bộ Y tế cũng ghi nhận hơn 30% số người đột quỵ đến viện trong cửa sổ 6 giờ; 23% đến viện dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu thấp, ở mức 14% - và nguy cơ bị di chứng hoặc tử vong cao. Tỷ lệ tái bệnh trong 5 năm đầu tiên lên tới 25%, tương đương 4 người bị tai biến thì có một người bị tái phát.
Trong năm 2022, Hội Đột quỵ thế giới công bố kết quả nghiên cứu cho thấy cứ 4 người từ 25 tuổi trở lên (tính nguy cơ đến 100 tuổi) thì một người có nguy cơ đột quỵ. "Đây là chỉ số Lifetime Risk (chỉ số rủi ro trong đời), con số khiến nhiều người sốc, hoang mang nhưng thực tế có thể xảy ra, tuy vậy vẫn thấp hơn so với Lifetime Risk của bệnh tim mạch hoặc ung thư", bác sĩ Thắng giải thích.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng tốt nghiệp chuyên khoa Thần kinh, Trường Đại học Y dược TP HCM, năm 1993. Ông tu nghiệp chuyên ngành đột quỵ tại Singapore năm 2005-2006, tại Mỹ năm 2007-2008 và bảo vệ luận văn Tiến sĩ chuyên ngành Thần kinh vào năm 2012. Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên cả nước được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận Vàng, Bạch kim và cao nhất là chứng nhận Kim cương năm 2020. Nơi này tiếp nhận khoảng 14.000 trường hợp đột quỵ mỗi năm, chiếm khoảng 8-10% số ca đột quỵ tại các bệnh viện Việt Nam. Bệnh viện đi đầu trong triển khai quy trình cấp cứu đột quỵ dưới 40 phút, ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ cao vào điều trị bệnh nhân đột quỵ, như phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID sau ba năm đã góp phần điều trị thành công hơn 1.000 bệnh nhân quá thời gian vàng 6 giờ. |
Phan Anh - Mỹ Ý