Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward, hôm 18/5 thông báo lập liên minh 8 đảng nhằm thúc đẩy kế hoạch thành lập chính phủ mới và trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan, với cam kết chấm dứt ảnh hưởng của quân đội trong nền chính trị nước này nhiều năm qua.
Ngoài hai đảng dẫn đầu sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua là Move Forward và Pheu Thai, liên minh của ông Pita dự kiến có thêm 6 đảng nhỏ gồm Prachachart, Thai Sang Thai, Seri Ruam Thai, Fair, Palang Sangkhom Mai và Pheu Thai Ruam Phalang. Theo các chuyên gia, đây là khởi đầu cho quá trình đàm phán giữa các đảng để hướng đến kịch bản lập liên minh nắm đa số tại quốc hội và thành lập chính phủ mới.
"Dù mỗi bên đều có lập trường riêng và quá trình đàm phán không dễ dàng, các đảng phái chính trị Thái Lan đang đứng trước cơ hội lớn để tìm ra giải pháp cho một số vấn đề then chốt gây chia rẽ xã hội bấy lâu", tiến sĩ khoa học chính trị Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về khu vực Đông Nam Á của Viện Hòa bình Mỹ, nói với VnExpress.
Liên minh 8 đảng sẽ mang về cho ông Pita tổng cộng 313 phiếu trong phiên họp lưỡng viện để bầu ra thủ tướng mới vào tháng 7, với sự tham gia của 500 hạ nghị sĩ được bầu và 250 thượng nghị sĩ do quân đội chỉ định. Thủ tướng mới của Thái Lan phải có ít nhất 376 phiếu ủng hộ tại lưỡng viện, đồng nghĩa ông Pita cần thuyết phục thêm ít nhất 63 nghị sĩ bỏ phiếu cho mình.
Trên lý thuyết, đảng Move Forward sẽ cần tìm thêm sự ủng hộ từ nhóm thượng nghị sĩ thân quân đội ở Thượng viện và chấp nhận gác lại mục tiêu cải cách luật khi quân, vốn là một trong những nội dung cốt lõi khi họ vận động tranh cử.
Luật khi quân được coi là một trong những nội dung gây tranh cãi nhất ở Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử. Điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định mức tù 3-15 năm đối với tội khi quân, được định nghĩa là hành vi "bôi nhọ, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc thái tử phi".
Theo giới chuyên gia, những tín hiệu ban đầu cho thấy liên minh của ông Pita và phe quân đội có cơ hội tìm được tiếng nói chung để tránh bế tắc ở ngày bỏ phiếu bầu thủ tướng. Các nguồn thạo tin tiết lộ đề xuất cải cách điều luật khi quân, vốn bị phe quân đội kịch liệt phản đối, đã bị loại khỏi bản cam kết liên minh cầm quyền 8 đảng do Move Forward dẫn đầu.
Chuyên gia Wells-Dang cho rằng sau khi lên nắm quyền nhờ cuộc đảo chính năm 2014, phe quân đội Thái Lan đã xây dựng hiến pháp năm 2017 để đảm bảo có thể duy trì sức ảnh hưởng cả trong trường hợp không còn nhận được sự ủng hộ đa số trong cuộc tổng tuyển cử.
"Phe quân đội lần này có lẽ sẽ chọn tuân theo kết quả bầu cử và đàm phán thỏa thuận chia sẻ quyền lực với chính phủ mới, nhưng vẫn ngầm cảnh báo can thiệp trực tiếp trong tương lai nếu cảm thấy cần thiết", ông dự báo.
Những thỏa hiệp chia sẻ quyền lực đã dần hình thành. Lãnh đạo Move Forward tuần qua cho biết 8 đảng trong liên minh của ông đã thống nhất thành lập các nhóm công tác cho quá trình chuyển đổi từ chính phủ do quân đội hậu thuẫn gần một thập kỷ qua sang mô hình chính phủ mới.
Dù ông Pita khẳng định các đảng vẫn chưa bước vào giai đoạn đàm phán phân chia ghế nội các, tờ Thai Inquirer cuối tuần qua tiết lộ Move Forward đã đạt thỏa thuận nắm 4 cơ quan cần ưu tiên cải cách gồm Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính và Giáo dục. Trong khi đó, đảng Pheu Thai sẽ kiểm soát cơ quan hoạch định chính sách ở 5 lĩnh vực trọng yếu là năng lượng, thương mại, giao thông, công nghiệp và nông nghiệp.
Hunter Marston, chuyên gia về khu vực Đông Nam Á thuộc Trường Các vấn đề Thái Bình Dương Coral Bell tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), đánh giá sự trỗi dậy của đảng Move Forward cùng mô hình liên minh cầm quyền có thể ngăn kịch bản bất ổn chính trị tái diễn ở Thái Lan trong tương lai gần.
Quân đội Thái Lan từng tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006. Đến năm 2014, tư lệnh lục quân Thái Lan khi đó là tướng Prayuth Chan-ocha cũng lãnh đạo cuộc đảo chính tiếp theo lật đổ em gái của ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra.
Thái Lan sau đó chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối đảo chính và cải cách chính trị, dẫn đến nhiều biến động và bất ổn ở nước này.
Chuyên gia Marston lưu ý khác biệt then chốt trong cuộc tổng tuyển cử lần này là đảng Pheu Thai đã không giành được thắng lợi áp đảo. Điều này đã làm phai nhạt mâu thuẫn giữa phe áo vàng - áo đỏ, giữa nông thôn và thành thị, giữa quân đội và gia tộc Shinawatra vốn nhiều lần đẩy Thái Lan vào tình trạng bất ổn trong hơn hai thập kỷ qua.
"Move Forward là làn gió mới trên chính trường Thái Lan, mang đến một lãnh đạo không đại diện cho bất kỳ bên nào trong hai phe trước đây. Liên minh cầm quyền có thể thành công và ổn định hơn nếu họ tìm ra cách chia sẻ quyền lực hợp lý và sự can thiệp từ quân đội không còn cần thiết", Marston nhận định.
Điểm mấu chốt quyết định tương lai chính trường Thái Lan là bài toán hợp tác giữa Move Forward, Pheu Thai và quân đội trong hoạch định quá trình chuyển giao chính trị, theo Marston. Liên minh thắng cử cần thuyết phục phe quân đội rằng quá trình chuyển tiếp sang chính phủ mới sẽ không đe dọa tới quân đội hay nền quân chủ Thái Lan.
Ông Pita trong thời gian qua dần thận trọng hơn trong những thông điệp gửi đến Thượng viện, phe quân đội lẫn các đồng minh. Nỗ lực cải cách luật khi quân không còn được xem là ưu tiên hàng đầu, thay vào đó ông sẵn sàng chấp nhận đưa vấn đề này ra bàn luận sau tại quốc hội.
Move Forward giờ đây không tiếp tục đòi hủy hoàn toàn luật khi quân, mà chỉ muốn quy định rõ rằng điều luật chỉ nên được áp dụng khi hoàng gia Thái Lan đưa ra khiếu nại, nhằm tránh tình trạng lạm dụng.
Đảng của Pita cũng thay đổi thái độ về Thượng viện, từ chỗ từng tuyên bố không cần 250 phiếu thượng nghị sĩ sang kêu gọi đàm phán. Tổng thư ký Move Forward Chaithawat Tulathon tuần qua khẳng định sẵn sàng đối thoại với các thượng nghị sĩ để hóa giải quan ngại, mong họ tôn trọng nguyện vọng cử tri và tránh để chính trường Thái Lan rơi vào bế tắc.
Chuyên gia Marston đồng tình rằng phe quân đội lần này có thể chấp nhận đàm phán và lui vào hậu trường, khác với những gì từng diễn ra sau cuộc bầu cử năm 2019, khi Pheu Thai giành nhiều phiếu nhất trong cuộc tổng tuyển cử nhưng không thể thành lập được chính phủ. Đảng thân quân đội của Thủ tướng Prayuth sau đó tiếp tục nắm quyền.
Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward, tiền thân của đảng Move Forward, năm đó đã vướng vào rắc rối pháp lý với Ủy ban Bầu cử (EC). Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ tư cách nghị sĩ của Thanathorn trước kỳ họp bầu thủ tướng, rồi đầu năm sau ra phán quyết giải thể Future Forward với cáo buộc vi phạm luật bầu cử.
Sau cuộc bầu cử năm nay, EU cũng đang xem xét đơn kiện nhắm vào ông Pita, cáo buộc ông sở hữu 42.000 cổ phiếu trong công ty truyền thông iTV nhưng không báo cáo điều này cho Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia trước khi nhậm chức nghị sĩ vào năm 2019.
Nhưng giới quan sát cho rằng dù EC lần này có tìm cách ngăn cản ông Pita đắc cử thủ tướng, hai đảng Move Forward và Pheu Thai vẫn bảo vệ được ưu thế đa số ở Hạ viện, đồng nghĩa rằng họ kiểm soát ngân sách của chính phủ.
Marston dự báo phe quân đội đủ tỉnh táo để nhận thấy, với mức ủng hộ rất lớn mà người dân dành cho các đảng có xu hướng cải cách, họ sẽ gây hỗn loạn chính trị nếu để tái diễn kịch bản năm 2019 hay can thiệp chính trường mạnh tay hơn. Thái Lan đang cần môi trường ổn định cho hồi phục kinh tế, vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách quốc phòng.
"Cái giá phải trả nếu họ can thiệp hoặc không thừa nhận kết quả bầu cử là quá đắt. Việc quân đội rút khỏi chính trường nhìn chung sẽ tăng tính ổn định cho môi trường chính trị Thái Lan. Viễn cảnh này có thể thuyết phục được bộ phận trung lập trong giới lãnh đạo quân đội", chuyên gia Marston nhận định về tương lai Thái Lan sau bầu cử.
Thanh Danh