Vải lậu chất đống chợ Đồng Xuân. |
- Khi lực lượng chống buôn lậu đến kiểm tra, các hộ kinh doanh trong chợ phản ứng như thế nào?
- Chúng tôi có khoảng 200 người gồm Cảnh sát kinh tế, công an quận Hoàn Kiếm, công an các phường và nhân viên quản lý thị trường. Do lực lượng đông, gây thế áp đảo và tiến hành bất ngờ vào buổi sáng sớm lúc hàng bắt đầu từ các nơi tập kết về cửa chợ, nên việc giữ hàng diễn ra thuận lợi. Ngoài các đối tượng chuyên chở hàng bỏ chạy thì các hộ kinh doanh đều chấp hành và bình tĩnh để cơ quan chức năng làm việc. Đến 19h, chúng tôi đã chuyển hết 230.000 m vải (nếu tính 20.000 đồng/m thì số hàng trị giá khoảng 4,5 tỷ) về kho của cơ quan quản lý thị trường. Đây là lần đầu tiên tại chợ Đồng Xuân chúng tôi thu giữ được lượng hàng lậu lớn như thế.
- Tại sao khi đường dây chuyển hàng lậu từ Hang Dơi - Lạng Sơn về Hà Nội chưa bị triệt phá, các cơ quan chống buôn lậu thành phố không tiến hành các đợt truy quét hàng quy mô lớn?
- Chúng tôi thực hiện chuyên án theo chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu trên địa bàn. Trước đây lượng hàng lậu từ Hang Dơi chuyển về Hà Nội rất nhiều, tuy hàng vải ít, chủ yếu là đồ điện tử, nhưng bọn buôn lậu đều có thủ đoạn tinh vi (xé lẻ hàng, vận chuyển nhiều giờ, bằng nhiều con đường, phương tiện khác nhau). Chúng tôi chỉ có thể bắt được những chuyến hàng nhỏ. Đến nay, hàng lậu từ Lạng Sơn về ít hơn nhưng mặt hàng vải nhập trái phép từ các cửa khẩu Quảng Ninh chiếm số lượng lớn trên thị trường. Nhận thấy thời điểm này, nước sông Hồng lên cao khiến các điểm tập kết hàng lậu ngoài đê và chợ Long Biên bị ngập nước, buộc những chủ buôn lậu phải tập trung hết hàng vào chợ Đồng Xuân để phân phát đi các nơi, chúng tôi đã lập kế hoạch và bắt giữ được lượng hàng lớn này.
- Ngoài hàng hóa, có đối tượng nào bị bắt không?
- Tất cả 563 kiện vải hiện đều không có người nhận. Khi lực lượng ập đến, các cuộn vải đang được để tại cửa chợ, trên cầu thang, thậm chí cả trong nhà vệ sinh. Chủ hàng, người vận chuyển đều "bỏ của chạy lấy người". Chúng tôi chưa bắt giữ đối tượng nào nhưng đang tiếp tục điều tra về các đầu mối cung cấp hàng.
Ngày 24/8, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra hàng tại các sạp kinh doanh vải trong chợ. Nếu lô hàng nào chủ sạp không trình được đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì sẽ bị tịch thu. Trường hợp lượng vải buôn bán trái phép lớn, chủ hàng có thể bị xử lý hình sự. Trong thời gian tới, những điểm như chợ Phùng Khắc Khoan, Ninh Hiệp và các sạp vải trên địa bàn thành phố cũng sẽ được kiểm tra.
- Lượng vải lớn nhập lậu sở dĩ tồn tại lâu nay trên địa bàn Hà Nội là nhờ vào sự bảo kê của cán bộ quản lý thị trường và của cả lực lượng chống buôn lậu của Cảnh sát kinh tế?
- Không loại trừ khả năng có sự bảo kê và thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến tình trạng này. Nhưng cho đến nay, việc điều tra của chúng tôi vẫn đang được tiến hành nên chưa có kết luận cuối cùng. Hàng lậu ở Hà Nội không chỉ có vải mà còn rất nhiều mặt hàng khác, đang là vấn đề bức xúc. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo mở chiến dịch truy quét một cách triệt để, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện có sự bảo kê của các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng chống buôn lậu.
- Ông có nhận định gì sau chuyên án này?
- Về mặt xã hội thì mừng nhất là Tổng công ty Dệt may vì thời gian qua họ là nạn nhân và phải chịu lỗ vì vải lậu rất nhiều. Tuy nhiên, với người tiêu dùng, vải ngoại, nhất là những loại dành cho mùa đông sẽ khan hiếm và tăng giá. Còn với công tác chống buôn lậu, các lực lượng sẽ phải đương đầu với những vụ việc khó khăn hơn bởi các đường dây vận chuyển sẽ cẩn trọng, hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn nữa. Chính vì vậy, để làm tốt công tác này chúng tôi rất cần sự ủng hộ, phối hợp của quần chúng nhân dân, đặc biệt là sự tuân thủ pháp luật của những hộ kinh doanh tại các chợ.
Hoài Thương thực hiện