Thứ tư, 25/12/2024
Thứ sáu, 13/3/2015, 17:30 (GMT+7)

Lần đầu thu phí không dừng trên quốc lộ 1A

Công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến do Mỹ phát triển, xe có gắn thẻ định danh với tài khoản đủ tiền sẽ không phải dừng tại trạm thu phí, lần đầu được áp dụng tại trạm trên Quốc lộ 1A ở Quảng Bình.

Ngày 13/3, tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình, đặt ở Km604 quốc lộ 1A qua xã Quảng Phú (Quảng Trạch) diễn ra lễ kiểm thử công nghệ thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe.

Dự án thu phí tự động kết hợp kiểm soát trọng tải xe được Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng chỉ đạo trực tiếp và giao Công ty cổ phần Tasco, ngân hàng BIDV triển khai thử nghiệm, vận hành, Viettel là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin.

Công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến do Mỹ phát triển, hiện áp dụng nhiều trên thế giới. Công nghệ này có chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện nhanh, kết quả thu phí chính xác…

Thu phí không dừng giúp tiết kiệm thời gian của chủ phương tiện, tiết kiệm nhân công, tiền in vé, giảm biên chế…, mang lại lợi ích vật chất rất lớn, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tasco cho biết.

Ôtô được gắn một thẻ định danh (E-tag) trên kính chắn gió phía trước, hoặc ở đèn xe. Thẻ này được cung cấp và gắn miễn phí, có tuổi thọ 10 năm. Hệ thống minh bạch cao, cộng với việc triển khai toàn quốc giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông.

Xe gắn thẻ chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ laser kích hoạt camera chụp biển số và ăngten phát tín hiệu đọc thẻ E-tag. Rào chắn tự động mở để xe qua và tin nhắn trừ tiền gửi về điện thoại đã đăng ký.

Nếu tài khoản không đủ tiền, người điều khiển phải dừng lại mua vé. Tài khoản nạp tiền bằng nhiều kênh như nạp trực tiếp, qua mạng Internet, ngân hàng, thẻ cào điện thoại, gửi tin nhắn điện thoại.

Tại buổi kiểm tra thử, các tình huống xe có gắn E-tag, nhiều xe cùng qua làn một lần, xe quá tải trọng… được trình diễn cho thấy ưu điểm của mô hình này. Ở làn thu phí không dừng, xe chỉ mất khoảng 5 giây để qua trạm, trong khi làn thu phí một dừng, việc bán vé và thu tiền trải qua nhiều thời gian hơn.

Trạm thu phí này với 6 làn xe cho hai chiều, gồm làn một dừng, làn không dừng và làn hỗn hợp mỗi bên. Làn một dừng vẫn triển khai bán vé bình thường. Làn không dừng dành cho xe có gắn E-tag, không có cabin kiểm soát. Trong khi làn hỗn hợp dành cho cả hai loại xe. Ở làn không dừng, 4 tấm ăngten chia làm hai nhóm được gắn trên cao, dùng để đọc thẻ E-tag, kiểm tra số dư tài khoản, xác thực đúng xe đang qua có sử dụng E-tag, đồng thời kích hoạt camera chụp biển số xe. Xe có số dư tài khoản đủ mức phí sẽ được lưu thông.

Bên cạnh thu phí không dừng, ngay khi đi qua rào chắn thu phí, công nghệ kiểm soát tải trọng bằng cảm biến thạch anh cũng được sử dụng. Công nghệ này phù hợp nhiều loại hình thời tiết, chính xác 98%. Trong hình, cảm biến thạch anh là hai làn kẻ song song ở mặt đường.

Sau khi đi qua cảm biến, thông tin tải trọng phương tiện được hiển thị ngay lập tức ở bảng điện tử đặt bên phải chiều lưu thông. Các xe quá tải sẽ được cảnh báo và kết quả có thể dùng để xử lý phương tiện.

Có mặt tại lễ kiểm thử, anh Ngô Quốc Toàn, một tài xế xe tải thường xuyên qua lại đoạn đường này đánh gia cao tính tiện lợi của việc thu phí không dừng. “Chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, bớt áp lực cho lái xe. Nhưng tôi cũng lo ngại hệ thống quá tải hoặc trục trặc thì sẽ có nhiều phiền toái không ngờ”, anh Toàn nói.

Trạm thu phí không dừng đầu tiên đi vào hoạt động từ tháng 5/2015 tại Quảng Bình, tiếp đó là hai trạm thí điểm khác ở Nghệ An và Đăk Nông, trước khi được áp dụng tại 35 trạm thu phí trên quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết công nghệ này sẽ được áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trên toàn quốc, gồm cả hệ thống đường cao tốc. Hiện cả nước có 100 trạm thu phí với lưu lượng 6.000 lượt xe/trạm mỗi ngày.

Hoàng Táo