Theo báo cáo trên tạp chí Cretaceous Research hôm 14/12, mẫu vật 120 triệu năm tuổi được tìm thấy tại Hệ tầng Crato ở phía đông bắc Brazil là hóa thạch khủng long đầu tiên ở Nam Mỹ cho thấy bằng chứng về lông vũ. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho sinh vật là Ubirajara joongatus, có nghĩa là "chúa tể của ngọn giáo" trong tiếng thổ dân địa phương, do chúng có bốn cấu trúc dài giống như ruy băng cứng nhô ra từ hai bên vai.
Những "dải ruy băng" rực rỡ này không phải vảy hay lông mao, cũng không phải lông vũ theo định nghĩa hiện nay, mà dường như là một cấu trúc keratin độc nhất chỉ có ở khủng long. Chúng có thể được sử dụng như một công cụ để thu hút bạn tình hoặc đe dọa kẻ thù.
"Trước đây, các cấu trúc tương tự đã được báo cáo ở một số loài khủng long giống chim nhưng chúng được gắn vào đuôi. Trong phát hiện mới này, bốn dải ruy băng mọc ra từ vai. Điều này vô cùng bất thường!", nhà nghiên cứu Xu Xing từ Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học ở Bắc Kinh chia sẻ.
Theo Giáo sư David Martill tại Đại học Portsmouth ở Anh, tác giả chính của bài báo, một số loài chim tuyệt đẹp ngày nay cũng được tô điểm với những chiếc lông dài ở vai, có thể kể đến như chim thiên đường, nhưng chúng rất hiếm và thường chỉ quan sát thấy ở con đực.
Mẫu vật khủng long Ubirajara joongatus được tìm thấy ở Brazil có kích thước chỉ bằng một con gà và nhiều khả năng là một con đực chưa trưởng thành. "Điều này thật đáng ngạc nhiên vì các đặc điểm hình thái phức tạp hầu hết chỉ dành cho con đực trưởng thành", Martill cho biết thêm.
Nhờ được bảo quản tốt bên trong đá vôi, hóa thạch còn tiết lộ Ubirajara joongatus có một chiếc bờm dài và dày chạy dọc sống lưng. Nó được điều khiển bởi các cơ, cho phép dựng lên cao giống như cách một con nhím xù gai khi bị đe dọa. Khi di chuyển, con vật có thể hạ bờm xuống để chạy nhanh mà không bị vướng vào thảm thực vật.
Đồng tác giả của nghiên cứu Robert Smyth tại Đại học Portsmouth giải thích thêm rằng những sinh vật sở hữu lông mao hoặc lông vũ có thể chuyển động thường có lợi thế trong việc di chuyển, đồng thời giúp chúng giữ hoặc giải phóng nhiệt khi cần thiết.
Đoàn Dương (Theo CNN/Phys)