Bảo Bảo là tên chàng trai chuyển giới 23 tuổi, quê Trà Vinh, tự đặt cho mình, khi quyết định công khai giới tính. Nhìn bề ngoài, Bảo Bảo là một cậu trai khá ưa nhìn với khuôn mặt thư sinh, bờ vai lớn, hình thể cân đối. Anh có hàng ria mép đậm dù đã cạo chỉn chu, giọng trầm và ấm.
Để có được ngoại hình nam tính như hiện tại, Bảo Bảo nói đã đầu tư và đánh đổi rất nhiều. Ngay từ nhỏ, anh đã luôn thắc mắc, vì sao mình là con trai mà lại không có "trái ớt", vì sao mang cơ thể con gái. Đi hỏi bà nội, bà cũng không biết giải thích với cháu như thế nào. Mãi đến khi lớn lên, Bảo Bảo mới nhận định được "mình là người chuyển giới".
Mấy năm trời nung nấu ý định và làm việc cật lực ở Sài Gòn, Bảo Bảo tích cóp được hơn 30 triệu đồng, dự định phẫu thuật vòng một. Ca phẫu thuật này sẽ lấy đi toàn bộ tuyến vú và phần lớn mô mỡ ở cả hai bầu ngực. Có nghĩa, Bảo sẽ mất đi khả năng tiết sữa, nuôi con bằng sữa. Đổi lại, anh có khuôn ngực phẳng như nam giới bình thường, không còn khổ sở mặc chiếc áo nịt ngực chật cứng, vừa khó thở, vừa nóng nực nổi mụn.
"Không ai ép tôi cắt xẻ cơ thể. Nhưng để thay đổi số phận, tôi nguyện đổi tiền bạc, nước mắt, máu, thậm chí sinh mạng", anh nói.
Một buổi sáng cuối năm 2018, Bảo Bảo lên bàn mổ, tại một bệnh viện quận 5. Phẫu thuật viên là một nam bác sĩ trung niên, ít tiếng tăm trong cộng đồng người chuyển giới. Chi phí bác sĩ đưa ra vừa đúng số tiền anh đang có.
Bạn bè khuyên ngăn chờ, kiếm thêm tiền "làm ngực" ở chỗ khác đắt mà uy tín hơn. Bảo Bảo không nghe, phần vì tiếc tiền đặt cọc, phần vì liều. "Ngực mình nhỏ, chắc sẽ không đến nỗi, hoặc sẹo quá thì qua tiệm xăm hình". Quan trọng hơn, Bảo Bảo muốn dưỡng thương vài tháng cho ngực lành hẳn, để kịp ngày về ra mắt bố mẹ bạn gái ở Đà Nẵng và bắt đầu lập nghiệp luôn tại đây. Khi đó, anh mới đủ tự tin thổ lộ mình là người chuyển giới với gia đình bạn gái.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như hình dung. Bảo Bảo kể, lúc tỉnh dậy ở phòng hồi sức, thấy phần ngực quấn băng kín, hai bên cắm hai ống dẫn lưu dịch, thì "mừng quá trời". Thuốc mê chưa hết, anh không cảm thấy đau, vẫn nằm cười đùa với bạn gái và gọi điện thoại thông báo tình hình cho người thân. Không ngờ, trong vòng 30 phút, cơn khó thở ập đến. Nhìn xuống ngực, anh phát hiện vùng ngực phải dần căng cứng, sưng to như sắp nổ. Anh thở dốc, há miệng hớp lấy từng ngụm không khí như cá mắc cạn.
Bác sĩ không kịp chuyển bệnh nhân lên băng ca cấp cứu mà đẩy cả giường bệnh vào thang máy, chạy rầm rập sang khu mổ. Trên đường đi, điều dưỡng cho anh thở oxy qua mặt nạ, song không cải thiện, chàng trai trẻ thấy mình đã "lâng lâng".
"Tôi nằm chờ khoảng 15 phút mới có phòng mổ trống để đến lượt mình. Trước khi lịm đi, tôi cảm nhận vết dao rạch vào ngực và dòng máu ấm nóng ướt cánh tay", anh nhớ lại.
Lần thứ hai Bảo Bảo tỉnh dậy, đã sang ngày hôm sau, mơ hồ nhìn xuống ngực, hai bên đã bằng phẳng, dịch truyền vẫn nhỏ đều đều. Nhưng sau một mũi tiêm, cơ thể anh xuất hiện phản ứng lạ. Các mảng da dần ửng đỏ, ngứa ngáy, kèm theo cơn ớn lạnh khiến toàn thân run lên. Hàm cứng, răng va vào nhau lập cập, không cất được tiếng gọi điều dưỡng, anh cố gắng đập vào thành băng ca thu hút sự chú ý. Hai nữ điều dưỡng chạy tới, dùng vật liệu trông giống như tấm giữ nhiệt, bọc kín cơ thể bệnh nhân. Người ấm hơn, một lần nữa, Bảo Bảo lịm đi.
Gần 24 giờ nằm trong phòng mổ và hồi sức chỉ có một mình, chàng trai thoáng chút hối hận, nghĩ "mình suýt chút nữa đã chết lãng xẹt". Người bạn gái phía bên ngoài cũng đứng ngồi không yên. Cô chia sẻ, rất sợ bạn trai xảy ra bất trắc trên bàn mổ. Nếu có biến cố gì cô sẽ ân hận suốt đời.
So sánh với những ca phẫu thuật tương tự, Bảo Bảo cho biết bạn bè thường được về chỉ sau một đêm nằm viện. Họ tự chăm sóc vết thương tại nhà, ngày thứ 10 thì quay lại bệnh viện cắt chỉ. Còn anh mất hơn một tuần lễ, vừa nằm viện, vừa nằm ở phòng khám của bác sĩ để theo dõi biến chứng. Hai vết sẹo hình lưỡi liềm quanh quầng ngực giãn to, khá xấu nên anh đi xăm màu để che bớt.
Trải qua cuộc thập tử nhất sinh, Bảo chia sẻ không trách cứ bác sĩ, cũng chưa từng có ý định bắt đền. Bởi mổ hay không là quyết định của bản thân anh. Dù sao, bác sĩ cũng đã cố hết sức để xử trí biến cố, chủ động chịu trách nhiệm khi xảy ra chuyện. Song vì đặt quá nhiều niềm tin rồi thất vọng, anh không muốn tái khám, giữ liên lạc hay giới thiệu cho bạn bè. Nguồn cơn hai sự việc, anh cũng chỉ hỏi qua loa và được giải thích, do ống dẫn lưu bị tắc, dịch ứ đọng không thoát được ra ngoài và dị ứng kháng sinh.
Suốt hai năm sau ca phẫu thuật "nhớ đời", Bảo đã quay trở lại nhịp sinh hoạt và làm việc thường nhật. Thỉnh thoảng ngực vẫn nhói nhẹ khi anh tập gym quá sức hoặc bê vác nặng. Riêng trí nhớ của Bảo Bảo thì kém đi nhiều. Như mốc thời gian ca mổ, một số chi tiết diễn ra trong quá khứ, anh phải lục lại ảnh, hoặc hỏi bạn bè mới nhớ chính xác. Thậm chí, anh cũng hay quên hơn so với trước phẫu thuật.
"Tôi chưa có ý định phẫu thuật chuyển giới phần dưới. Tạo hình bộ phận sinh dục từ nữ sang nam phức tạp, tốn kém và nhiều biến chứng hơn từ nam sang nữ. Hiện tôi thỏa mãn với việc có thể tự tin cởi trần đi bơi hay mặc sơ mi trắng không cần đứng khòm lưng", Bảo Bảo nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, giải thích phẫu thuật chuyển giới là phẫu thuật xâm lấn lớn, nhiều nguy cơ, ảnh hưởng lớn đến cuộc đời còn lại của một con người. Do đó, trước khi thực hiện, ngoài khám nội tiết, khám tổng quát, người có nhu cầu cần được bác sĩ tâm lý tư vấn kỹ càng. Trước tiên, xác định nhu cầu chuyển giới có thực sự chính đáng hay không. Thứ hai, đưa ra những tình huống có thể xảy ra sau phẫu thuật. Ví dụ, phẫu thuật thất bại thì có chấp nhận được không? Hay họ có thể làm quen và chấp nhận được hình thái cơ thể mới của mình?
Thư Anh