Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 1/10/2018, 11:46 (GMT+7)

Lần cất hạ cánh đầu tiên của F-35B trên siêu tàu sân bay Anh

Đợt thử nghiệm của hai tiêm kích F-35B đánh dấu lần đầu tiên máy bay cánh bằng xuất hiện trên một tàu sân bay Anh từ năm 2010.

Hai tiêm kích tàng hình F-35B tuần trước lần đầu hạ cánh trên siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở ngoài khơi bang Florida, Mỹ. Đây là hoạt động khởi đầu cho 11 tuần thử nghiệm trên biển của dòng F-35B và tàu Queen Elizabeth, theo Livejournal.

Trong ảnh, chiếc F-35B đầu tiên đang tiếp cận sàn đáp của HMS Queen Elizabeth.

Lần cất hạ cánh đầu tiên của F-35B trên siêu tàu sân bay Anh
 
 

Chiếc F-35B xuất phát từ boong tàu Queen Elizabeth.

Chiếc F-35B hạ cánh trên sàn đáp tàu sân bay Queen Elizabeth.

Hai chiếc F-35B thuộc biên chế thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng được điều khiển bởi phi công Anh. Đợt thử nghiệm đánh dấu lần đầu tiên máy bay cánh bằng xuất hiện trên một tàu sân bay Anh từ năm 2010, thời điểm hải quân Anh loại biên tiêm kích Harrier GR9 và chỉ còn trực thăng vận hành trên tàu sân bay.

Tiêm kích F-35B cất cánh lần đầu từ boong tàu Queen Elizabeth.

HMS Queen Elizabeth và một tàu hộ vệ lớp Type-23 đã tới quân cảng Mayport, bang Florida, Mỹ từ đầu tháng 9 để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm này.

Chiếc F-35B lao khỏi cầu nhảy (ski-jump) của HMS Queen Elizabeth.

F-35B là phiên bản được phát triển cho thủy quân lục chiến Mỹ, nổi bật nhờ khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Nó có thể cất cánh mà không cần cầu nhảy, nhưng việc sử dụng thiết bị này cho phép F-35B mang nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn, tăng hiệu quả chiến đấu.

Biên đội F-35B lượn vòng gần siêu tàu sân bay Anh.

Bộ Quốc phòng Anh dự kiến mua 138 tiêm kích tàng hình F-35B để trang bị cho không quân và hải quân. Ban đầu, lớp Queen Elizabeth dự kiến được trang bị hệ thống phóng và cáp hãm đà (CATOBAR) như lớp tàu sân bay Nimitz và Gerald R. Ford của Mỹ, nhưng chi phí quá cao buộc hải quân Anh lựa chọn giải pháp STOVL và sử dụng tiêm kích F-35B.

Chiếc F-35B triển khai hệ thống STOVL để chuẩn bị hạ cánh.

Cơ cấu STOVL của F-35B dựa trên thiết kế tiêm kích Yak-141 được Lockheed Martin mua lại từ Nga với giá 400 triệu USD vào năm 1991.

Tàu hộ vệ Type-23 duy trì đội hình với HMS Queen Elizabeth trong quá trình thử nghiệm. Hai trực thăng tìm kiếm cứu hộ cũng liên tục hoạt động trên không, đề phòng trường hợp tiêm kích F-35B gặp sự cố và phi công phải nhảy dù xuống biển.

Một trong hai phi công Anh sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên tàu Queen Elizabeth.

HMS Queen Elizabeth có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Nó có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache. Thành phần chính xác của không đoàn tàu sân bay Anh chưa được công bố, nhưng thủy quân lục chiến Mỹ đã ký thỏa thuận để cung cấp một phi đội F-35B vận hành trên HMS Queen Elizabeth.

Ảnh: Lockheed Martin

Vũ Anh