Chủ nhật, 6/10/2024
Chủ nhật, 12/2/2023, 11:57 (GMT+7)

Lặn bắt tôm hùm giống

Quảng NamNhiều người xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành ngậm ống khí, lặn sâu 6-10 m bắt tôm hùm con trong hang đá vào những ngày biển lặng và trong.

Đầu tháng 2, hàng chục ghe thuyền tập trung quanh ghềnh đá Bàn Than, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành bắt tôm hùm giống để bán. Đáy biển khu vực này có san hô, bãi đá, nhiều tôm hùm sinh sống. Mỗi chiếc ghe gỗ công suất nhỏ có 2-5 người, làm việc từ 7h đến 18h mỗi ngày.

Nghề này phụ thuộc vào con nước, chỉ làm được những ngày nước biển trong. Ngoài lặn ban ngày, thợ lặn cũng có thể lặn đêm.

Ông Ngô Văn Xu, 62 tuổi, thôn Thuận An, xã Tam Hải và con trai lái ghe công suất 20 CV đến phía Bắc ghềnh đá Bàn Than neo đậu. Ghe được cố định cách bờ hơn 100 m, ông sửa soạn đồ nghề để bắt đầu một ngày mưu sinh.

Theo ông Xu, nghề bắt tôm hùm giống từ tháng 10 âm lịch kéo dài đến cuối tháng 1 năm sau. Thời điểm này tôm con sống gần bờ nên bắt được, sau khi lớn chúng ra khơi thì dừng.

Con trai ông Xu, anh Ngô Văn Đấu, 31 tuổi mặc bồ đồ lặn chuyên dụng, mang hai dây chì, một dây nặng 7 kg buộc quanh bụng và dây còn lại nặng 3 kg đeo trên vai. "Ở dưới nước chịu sức ép lớn, đối mặt với không ít rủi ro, nhiều ngư dân bảo lặn bắt tôm hùm nhí là nghề đánh cược với tính mạng", Đấu nói và cho biết mưu sinh dưới đáy biển quá vất vả, nguy hiểm, có người từng bỏ mạng vì lặn săn tôm hùm.

Kính lặn là đồ nghề không thể thiếu với thợ lặn. Kính phải kín để ngăn nước vào mắt và giúp thợ nhìn rõ các vật dưới đáy sông. Nghề lặn săn tôm hùm đòi hỏi sự chịu khó, có sức khỏe tốt vì phải ngụp lặn giữa dòng nước sâu.

Sau khi trang bị đầy đủ, Đấu nhảy xuống biển, chìm dần rồi mất hút, chỉ còn thấy đường ống dẫn khí dập dềnh trên mặt biển và bọt khí thổi lên.

Trên thuyền, ông Xu vừa thả ống dẫn khí theo hướng con lặn, mắt không rời cuộn dây dẫn khí dài gần 200 m. Mỗi lần lặn thường kéo dài khoảng 2 giờ, độ sâu 6-10 m, khi nào bắt được nhiều tôm thì lên sớm hơn.

Cũng hành nghề bắt tôm hùm, anh Nguyễn Văn Nhật, thôn Thuận An, xã Tam Hải trang bị bộ áo quần người nhái, mang kính lặn, miệng ngậm ống khí lặn xuống nước. Anh cho biết, tôm hùm sống trong hang sâu vài cm. Để bắt tôm, anh cầm râu lôi ra, hoặc dùng cây tăm bằng sắt đuổi chúng ra khỏi hang rồi dùng tay bắt.

Thợ lặn ở dưới nước, phía trên luôn có một người vận hành máy, thả, kéo ống hơi và xử lý khi có sự cố.

Bắt được tôm hùm, thợ lặn để vào chai nhựa chứa nước.

Đến 12h, hai cha con ông Xu tạm dừng công việc để ăn trưa. Họ ngồi sau ghe, phía trên che tấm bạt tránh nắng. Sau 30 phút nghỉ ngơi, hai người tiếp tục việc đến 16h thì về bờ.

Ghe cập bến, hai cha con mang 22 con tôm hùm giống về nhà. Thương lái sau đó đến mua với giá loại một 55.000 đồng hoặc loại hai 80.000 đồng mỗi con. Ông Xu thu được 1.350.000 đồng, trừ trừ chi phí 200.000 đồng xăng dầu, còn hơn 1 triệu đồng.

Bà Lê Thị Liên, một thương lái thu mua tôm hùm giống, cho biết mỗi ngày mua vài trăm con tại xã đảo. Tôm đưa về nuôi sống với số lượng hàng nghìn con, rồi nhập vào các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa để bán cho hộ nuôi.

Xã đảo Tam Hải có khoảng 7.000 người, ở 7 thôn. Nơi đây có danh thắng ghềnh đá Bàn Thành và đảo Hòn Mang, hòn Dứa hoang sơ. Xung quanh là hệ sinh thái đa dạng san hô, bãi đá tự nhiên, thu hút nhiều loại hải sản sinh sống.

Chủ tịch xã đảo Nguyễn Tấn Hùng cho biết, địa phương có hơn 200 hộ dân khai thác tôm hùm giống. Hàng năm, chính quyền cấm khai thác từ đầu tháng 4 đến tháng 7. "Nghề khai thác tôm hùm là lộc trời, song cho thu nhập đáng kể", ông nói và cho biết khi mùa bắt tôm hùm giống kết thúc thì người dân chuyển qua đánh bắt hải sản.

Lặn bắt tôm hùm giống
 
 

Lặn sâu hơn 6 m bắt tôm hùm giống. Video: Đắc Thành

Đắc Thành