Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư danh mục các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là căn cứ xác định trường hợp lao động có thể nghỉ hưu sớm so với lộ trình từ đầu năm 2021 theo quy định của Chính phủ.
Phạm vi áp dụng dự kiến 753 xã, thuộc 23 tỉnh, phần lớn là biên giới, vùng núi, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện làm việc khó khăn hơn nhiều so với vùng đồng bằng. Đó là các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Kiên Giang.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, đơn vị soạn thảo cho hay, dự thảo đang được công khai để người dân góp ý trong vòng 60 ngày. Các tỉnh, thành căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội địa phương, có thể đề nghị sửa đổi, bổ sung danh mục nêu trên, song phải đánh giá được sự cần thiết, tác động của việc bổ sung hoặc sửa đổi.
Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong điều kiện lao động bình thường, nam đủ 60 tuổi 3 tháng được nghỉ hưu, với lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng, tính từ đầu năm 2021. Mỗi năm sau đó tăng thêm ba tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; tăng thêm bốn tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Tuổi nghỉ hưu lâu nay của nam là 60 và nữ là 55 tuổi.
Người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Những người thuộc diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Danh mục vùng đặc biệt khó khăn.
Hoàng Phương