"Tôi ngủ nhưng lúc nào cũng thấy công việc chập chờn trong đầu, không bao giờ ngủ sâu được. Nằm ngủ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến giờ dậy vì công việc đang chờ thật sự là rất mệt mỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền, không biết chia sẻ với ai. Tôi thường xuyên làm việc đến 22h đêm, lúc đi làm thì con cái chưa ngủ dậy khi về cả làng đã đi ngủ tắt điện tối om.
Tôi đủ thứ bệnh: đau đầu, đau dạ dày, đau lưng... người ngoài nhìn vào thì chỉ thấy nhà đẹp xe đẹp chứ không biết phải đánh đổi những thứ mà có tiền cũng không thể mua được".
Độc giả Tuân phạm bình luận sau bài viết Kiệt quệ khi làm việc 14 tiếng mỗi ngày. Theo đó, nhiều người đang làm việc quá sức dẫn đến mệt mỏi, stress, rối loạn giấc ngủ, thậm chí trầm cảm, bệnh mãn tính nhưng đa số chấp nhận lối sống này vì áp lực "cơm áo gạo tiền".
Độc giả tranvanhunglaixesep chia sẻ: "Tôi 50 tuổi đang làm việc cho doanh nghiệp FDI. Tôi thường bắt đầu ra khỏi nhà 5h30 và về nhà sớm cũng phải từ 22h đến 24h đêm, có tháng làm 30 ngày hoặc 29 ngày chỉ được nghỉ một ngày hoặc quá lắm là ngày ngày chủ nhật.
Song vì cơm áo gạo tiền lại mang trong mình căn bệnh nan y nên cố gắng còn sức khỏe ngày nào thì cố gắng làm việc lấy tiền nuôi con ăn học và mua thuốc chữa bệnh. Tôi cũng luôn luôn lo lắng vì sợ bị sa thải bất cứ lúc nào".
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu đưa hội chứng này vào Bảng phân loại Quốc tế về Bệnh tật như một tình trạng sức khỏe liên quan nghề nghiệp. Nhiều trường hợp kiệt quệ sức khỏe vì công việc, còn gọi hội chứng Burn out.
Hiện tượng một số bạn trẻ stress vì làm nhiều việc để có thể duy trì cuộc sống cao cấp đã thiết lập, độc giả nickname vulam.iris nói:
"Tôi có người bạn vì đã lỡ xây dựng một hình ảnh quá bóng bẩy và hào nhoáng trên mạng xã hội nên đã đâm lao là phải theo lao, một khi dừng lại sẽ bị đào thải. Tôi chỉ thấy thương bạn vì bạn đang sống cho hình ảnh của bản thân trong mắt người khác, không phải thực sự sống đúng nghĩa, nhưng đối với bạn định nghĩa cuộc sống là như vậy, nếu giá trị của bạn không đo đếm được bằng năng suất, bằng những con số... bạn cũng không biết mình là ai trong cuộc đời".
Độc giả huhuongng1502 nói:
"Tôi luôn tự hỏi tại sao thời ông bà, cha mẹ đói khổ, vất vả thế vẫn khỏe mạnh cả tinh thần lẫn cơ thể. Sau tôi nhận ra do thế hệ trước hoạt động ngoài trời, thể chất nhiều nên khỏe mạnh.
Muốn giảm stress, tăng sức khỏe thì nhấc mông lên ra ngoài trời hoạt động thể chất. Tôi ở TP HCM vẫn chạy bộ ngoài hè phố mỗi ngày, đi đâu không cần gấp trong bán kính một cây số thì tranh thủ đi bộ.
Không ra ngoài được thì leo cầu thang trong nhà, tập yoga, khí công. Hoạt động nhiều là sức khỏe lẫn tinh thần mạnh hơn".
Độc giả Bạch Dương Phạm bày tỏ: "Nói chung mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện, mục tiêu khác nhau nhưng quan trọng là phải điều chỉnh để công việc phù hợp với năng lực, khả năng của bản thân mình.
Làm việc tới mức để bản thân kiệt quệ thì đâu thể gọi là đang sống? Bệnh viện là nơi cần phải tránh, vì khi đã vào đó rồi mới thấy tất cả những thứ còn lại không thể so sánh với sức khoẻ được".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.