Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Căn cứ vào quy định nêu trên, việc thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 cho chị sẽ dựa vào kết quả sản xuất kinh, kinh doanh năm 2024 của công ty, mức độ hoàn thành công việc của chị và quy chế thưởng do công ty quy định.
Nếu trong năm 2024 công ty hoàn thành kế hoạch tăng trưởng từ 12%, chị có thâm niên 1 năm trở lên, dù ngày 10/1/2025 nghỉ việc (do công ty không tái ký hợp đồng lao động), chị vẫn được nhận tiền thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 theo quy chế của công ty vì chị đã làm việc trọn năm 2024..
Theo tôi, nếu xảy ra trường hợp công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị kể từ ngày 10/1/2025 mà không chi trả khoản tiền thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 như đã "cam kết tại quy chế thưởng của công ty" thì chị cần ý kiến với công ty nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, dịp Tết Âm lịch người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 5 ngày. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày nghỉ cụ thể cho dịp nghỉ Tết Âm lịch.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM