Dĩ nhiên, nhiều công việc tệ đến mức bắt bạn chấp nhận còn khó, chứ đừng nói đến phải vui vẻ. Nhưng nếu sếp của bạn không quá đáng, công ty có các quyền lợi tốt, và cái bạn phàn nàn chỉ là công việc buồn chán, hãy thử thay đổi suy nghĩ của mình về nó xem sao.
"Có rất nhiều điều khiến tôi yêu thích công việc của mình. Nhưng trước đây, tôi lại không nhìn ra", Katie Baxter – người làm việc 14 năm tại Firmidable – một công ty marketing tại New Orleans cho biết, "Tất cả là do tôi thôi".
Vài năm gần đây, Baxter mệt mỏi vì phải làm việc nhiều. Nhiều người nghỉ việc đồng nghĩa cô phải gánh phần việc thay họ. "Tôi cảm thấy như người đang giãy giụa dưới hố sâu, tìm cách trèo lên", cô nói.
Khi Baxter nghĩ đến việc rời đi, cô quyết định viết ra một danh sách, có tiêu đề "Điều sẽ khiến mình hạnh phúc hơn". Cô tạo ra 3 phần – điều mình thích, điều mình giỏi và điều mình không thích.
Mục cuối rất dài. Nhưng Baxter nhận ra mình có thể làm tốt việc khiến mọi thứ vận hành năng suất hơn. Cô cũng thích đào tạo mọi người nữa. Vì thế, cô nghĩ rằng mình có thể thay đổi tâm trạng chán việc này.
Baxter bắt đầu dành riêng thời gian trong tuần để đào tạo nhân viên. Cô cũng đề xuất công ty sử dụng thêm tư vấn viên để gánh bớt phần việc của mình. Cô đặt ra quy tắc mỗi ngày ra ngoài 30 phút, đón con vào 3h chiều thứ 6. Hiệu quả công việc của Baxter không giảm. Thậm chí cả những việc làm nhỏ nhất, như kê bàn quay mặt về phía cửa sổ, cũng giúp cô vui vẻ hơn.
Dĩ nhiên, việc phản đối sếp luôn có rủi ro. Nhưng nhiều người cho biết việc này không kinh khủng như họ từng nghĩ, và họ ngạc nhiên khi nhận ra mình có nhiều quyền tự chủ hơn mình tưởng.
Kỳ vọng về công việc thường khiến chúng ta thất vọng. Rất nhiều người trong số chúng ta chịu sức ép vì suy nghĩ phải yêu công việc. "Chúng ta đang sống trong thời kỳ thần tượng hóa công việc", Simone Stolzoff – một tác giả sách tại Mỹ cho biết, "Điều đó khiến mọi người quá áp lực".
Thay vì bỏ "một công việc tốt vừa đủ", hãy cố tìm niềm vui và mục đích ở nơi khác, Stolzoff cho biết. Hãy theo đuổi một sở thích nào đó, tham gia một cộng đồng – như một câu lạc bộ chẳng hạn – nơi mọi người không quan tâm đến công việc của bạn. Hãy nhớ, chấp nhận một công việc đủ giúp bạn theo đuổi cuộc sống bên ngoài là điều rất bình thường.
"Sự đơn điệu trong công việc là không thể tránh khỏi", Stolzoff nói, "Đừng hy vọng công việc hoàn hảo".
Nhiều năm trước, Juli Gallagher cũng mắc kẹt trong công việc tại phòng truyền thông của một tờ báo, chỉ quanh quẩn trả lời điện thoại và làm giấy tờ. Cô muốn chuyển sang một vị trí khác có vai trò lớn hơn, nhưng đơn xin việc nội bộ của cô không thu hút cấp trên.
Cô đã phàn nàn với ông nội, và được cho lời khuyên như sau: Hãy giả vờ như đó là ngày đầu tiên con đi làm. Hãy cố gắng là người làm việc này tốt nhất từ trước đến nay.
"Tôi đã ngay lập tức nhìn thấy ánh sáng", Gallagher nhớ lại. Cô bắt đầu lên danh sách mục tiêu hàng ngày và vượt qua chúng. Thay vì đợi sếp giao việc, cô chủ động hỏi tìm cơ hội. Cô cũng phát biểu nhiều hơn trong các cuộc họp.
"Nó khiến tôi cảm thấy như được sống lại", cô nói. Chỉ trong vài tháng, cô được thăng chức. Cô đã làm việc ở đó 14 năm và giữ vị trí quản lý cấp cao.
Nhà tâm lý học Jonathan Fader từng cố vấn cho nhiều lãnh đạo và vận động viên về cách cải thiện hiệu suất và tận hưởng nghề nghiệp nhiều hơn. Ông nói rằng việc hành động ngược với những gì bạn cảm thấy sẽ thay đổi tâm trạng và cả thực tế cuộc sống của bạn nữa. Ví dụ, nếu cảm thấy xa cách với đồng nghiệp? Hãy rủ họ ăn trưa.
Mark Goldberg – một chuyên viên trị liệu tại Baltimore – cũng cảm thấy mọi chuyện tốt đẹp hơn khi ông tìm ra ý nghĩa trong những việc từng khiến mình phát điên. Việc mở rộng hoạt động trong năm qua khiến ông bực bội vì phải học hệ thống phần mềm mới và đào tạo nhân viên.
"Đó không phải là những gì tôi nghĩ mình sẽ làm", ông nói.
Sau đó, ông liệt kê những việc mình không thích, và đánh dấu những thứ có ảnh hưởng trực tiếp lên khách hàng. Ví dụ như phần mềm cho phép họ đặt lịch hẹn nhanh hơn. Việc ghi nhớ ý nghĩa của chúng khiến ông có động lực hơn khi làm, và giúp ông tự tin bỏ qua các dự án ít quan trọng.
Nhưng thỉnh thoảng, điều có thể xoa dịu tâm trạng của bạn lại chính là kế hoạch rút lui. Katherine Wiley là một giáo sư về nhân chủng học. Cô thường xuyên stress mỗi khi đọc thư sinh viên gửi. Đến một ngày, Wiley quyết định sẽ làm thêm 2,5 năm nữa, rồi nghỉ việc nếu vẫn cảm thấy tồi tệ.
"Việc này giúp tôi thoát khỏi mối bận tâm thường xuyên khi đó là ‘Mình có nên đi không?’ Trong 2,5 năm đó, cô đã bớt phàn nàn về công việc, tập trung giao lưu với các đồng nghiệp. Khi cơ hội nghỉ việc đến – trường đại học nhận được đề nghị mua lại và chồng cô được chào mời công việc khác – cô biết đã đến lúc thay đổi.
Hiện tại, Wiley làm công việc chỉnh sửa bài luận và thực sự yêu thích nó. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm việc này", cô nói.
Hà Thu (theo WSJ)