Cũng theo chuyên gia này, giúp đỡ người khác sẽ giúp trẻ mở rộng tầm nhìn cũng như thông cảm cho thế giới và nhu cầu của người khác, từ đó hình thành tư cách công dân tốt. Giúp người khác sẽ khiến tinh thần thoải mái và giúp trẻ xây dựng, hình thành nhân cách tốt.
Vậy làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể dạy dỗ con thành những người biết giúp đỡ người khác? Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia.
Giúp con khai thác thế mạnh
"Tất cả chúng ta đều có những năng lực riêng, có thể giúp chúng ta dạy dỗ hay giúp đỡ người khác. Có nhiều hình thức giúp đỡ khác nhau, từ sự đồng cảm cho tới đề xuất các ý tưởng nhằm giải quyết một vấn đề hay giúp làm việc nhà", Rupa Mehta, một chuyên gia về giáo dục trẻ em, nhận xét.
Cha mẹ nên giúp con cái giúp đỡ người khác theo cách của riêng mình và tạo ra những cơ hội để các em thực hiện điều đó.
"Ví dụ như, nếu một bé 4 tuổi thể hiện sự say mê với việc sắp xếp xe tải đồ chơi thẳng hàng nhau, chứng tỏ bé là người chú ý tới tiểu tiết và bạn có thể nhờ bé dán giúp tem lên góc phải của các tấm thiệp mừng ngày lễ", Rupa phân tích.
"Nếu con bạn có hứng thú với việc nấu ăn và con bạn còn nhỏ, bạn có thể nhờ con lên danh sách đồ cần mua. Nếu con bạn lớn hơn chút, bạn có thể nhờ con đi mua đồ luôn. Nếu con bạn là thiếu niên, bạn có thể bảo con sơ chế đồ ăn như thái rau và tự nấu những bữa ăn đơn giản cho mình", bà lấy thêm ví dụ.
Chọn nhiệm vụ phù hợp cho trẻ
"Nhìn chung, điều quan trọng là phải đảm bảo những công việc giúp đỡ này phù hợp với sự phát triển của trẻ", Kimbley nhận xét.
Bà cho rằng đối với trẻ em trước tuổi đi học, cha mẹ nên phân công nhiệm vụ dọn đồ chơi, cất sách lên giá hay giúp tìm giầy. Trong lúc chơi với con, cha mẹ cũng nên thể hiện những hành động giúp đỡ và đọc cho trẻ những quyển sách dạy về việc giúp đỡ người khác.
Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể giúp làm việc nhà như cất quần áo sau khi phơi khô, quét lá cây hay lấy bát đĩa ra khỏi máy rửa bát. Các em cũng có thể giúp đỡ những người ngoài không chỉ là những người thân trong gia đình.
"Hãy tình nguyện giúp đỡ cộng đồng. Hãy tham gia vào một hội từ thiện địa phương, quét dọn trường học hoặc tham gia trợ giảng", Kimbley khuyên.
Theo chuyên gia Elanna Yalow, khi trẻ ngày càng lớn lên, trẻ sẽ tiếp tục bồi đắp các kĩ năng giúp đỡ người khác mà trẻ học được từ nhỏ.
"Với khả năng ghi nhớ và thực hành qua hướng dẫn từ cha mẹ, cộng với tinh thần độc lập và trách nhiệm ngày càng cao, trẻ em khoảng 10 tuổi trở lên có tâm lý sẵn sàng và đủ năng lực để hoàn thành những hoạt động giúp đỡ phức tạp hơn", Elanna cho biết.
Theo bà, trẻ ở độ tuổi này có thể hoàn thành các nhiệm vụ như tự giặt đồ, lau dọn phòng tắm, lau cửa sổ, thay ga giường, tự chế biến các bữa ăn đơn giản hay dạy em học bài.
Khen ngợi và khuyến khích con
Cha mẹ nên công nhận nỗ lực giúp đỡ người khác của trẻ. "Trẻ em rất thích được nhận lời khen từ người mà chúng quan tâm. Hãy cổ vũ các em tại tất cả các bước", nhà giáo dục Casey Rislov nhận xét.
Nếu con bạn giúp bạn điều gì đó, hãy bày tỏ lòng biết ơn và nhấn mạnh với con rằng điều đó khiến bạn cảm thấy rất vui. Bạn cũng đừng quên hỏi cảm nhận của bé về việc đó.
"Lời khen ngợi chắc chắn sẽ đem lại tác dụng tốt nhưng bản thân việc giúp đỡ người khác cũng đem lại cảm giác hạnh phúc. Chúng ta nên khuyến khích trẻ em tự cảm nhận cảm giác hạnh phúc thay vì phải dựa vào lời khen hay phần thưởng từ bên ngoài", chuyên gia Susan Groner chia sẻ.
Làm gương cho con
"Hãy làm một tấm gương tốt. Trẻ em lúc nào cũng quan sát. Trẻ càng được quan sát những hành động giúp đỡ người khác, trẻ sẽ càng có xu hướng bắt chước hành động đó", Kimbley cho biết.
Cha mẹ có đủ khả năng khiến việc giúp đỡ người khác trở thành một thói quen và mong chờ con mình làm theo. Ngoài việc cho con thấy giúp đỡ người khác là như thế nào, cha mẹ có thể đưa con cùng tham gia vào các hoạt động giúp đỡ cộng đồng.
"Hãy tìm những cơ hội ngẫu nhiên để bày tỏ sự tốt bụng trước mặt các con và khuyến khích các bé làm theo bạn. Ví dụ như giúp ai đó đi sang đường, giữ cửa mở cho người khác đi vào hay nói những điều tốt đẹp với người lạ. Hãy nói với con về cảm xúc sau khi làm một điều gì đó tốt đẹp và bất ngờ", Groner nói.
Nhấn mạnh sự kết nối với những người khác
Cha mẹ nên nói về những cách để giúp đỡ người khác và thay đổi cuộc sống của họ theo chiều tốt hơn – ví dụ như tặng đồ ăn cho những người đang đói hay tìm đồ chơi giúp bạn, cho xà phòng vào phòng tắm để mọi người giữ sạch đôi tay. Hãy cho con bạn biết về những nghề chuyên giúp đỡ người khác như nghề y tá hay nghề thu dọn rác thải.
"Tiếp cận điều đó dưới góc nhìn của một nhóm sẽ giúp đem lại thái độ tích cực. Nếu nhiệm vụ giúp đỡ đa dạng và phù hợp với độ tuổi, trẻ sẽ cảm thấy đã đạt được điều gì đó và tự hào rằng các em đang giúp đỡ mọi người xung quanh", Rislov phân tích.
Giúp đỡ người khác cũng giúp làm củng cố năng lực cảm thông và tăng cường kết nối với người khác.
Giúp con ngẫm nghĩ về việc giúp đỡ
"Một bí quyết giúp con bạn gắn bó hơn với việc giúp đỡ người khác là khuyến khích bé ngẫm nghĩ về hành động giúp đỡ đó", Mehta nói. Bà gợi ý các phụ huynh có thể hỏi con những câu hỏi như: Con cảm thấy thế nào trước khi giúp đỡ họ? Sau khi giúp họ con cảm thấy ra sao? Con nghĩ họ cảm thấy thế nào trước khi nhận sự giúp đỡ của con và sau đó? Con có cách nào khác giúp họ sau này nữa không?
Việc phân tích trải nghiệm giúp đỡ người khác như trên có thể giúp trẻ hiểu về sức mạnh của hành động giúp đỡ và sẵn sàng tiếp tục hành động đó trong tương lai. Cha mẹ nên nói với con về tác dụng tích cực của việc giúp đỡ người khác một cách vô tư, không toan tính.
"Hãy dạy trẻ giúp đỡ mà không mong nhận lại điều gì. Hãy tìm cách cho đi mà không kì vọng nhận lại thứ gì đó. Thậm chí nếu chúng ta không nhận được lời cảm ơn hay bất kì thứ gì đáp lại thì vẫn nên giúp đỡ người khác", Kimbley nói.
Khánh Ngọc (theo HuffPost)