Gần đây có nhiều bạn đọc thắc mắc đỗ ôtô như thế nào cho đúng, khỏi lo bị phạt...? Việc có được dừng, đỗ xe hay không phải căn cứ nơi đoạn đường, tuyến phố đó có đặt biển báo cấm: 130, 131a, 131b, 131c ? Còn dừng đỗ xe như thế nào cho đúng thì theo quy định của điều 18, điều 19 luật GTĐB 2008. Nếu chỉ cần điều kiện như vầy - Ta đã như Tây. Mừng quá! Nhưng đừng vội mừng vì:
Đối với các đô thị lớn, mật độ dân cư, phương tiện cao còn phải theo quy định riêng mang tính đặc thù. Hà Nội nói riêng phải chịu sự chi phối của quyết định số: 2053/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 "quy định 56 tuyến phố văn minh thương mại". Theo đó, "cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường".
Cơ quan chức năng cho rằng đã gắn bảng thông báo tại những tuyến đường cần thiết đấy, tuyên truyền sâu rộng tới mọi người dân trên địa bàn; qua cả báo chí, phát thanh, truyền hình, truyền thông đa phương tiện để thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân cả nước.
Nhân dân ở tỉnh xa về Thủ đô nếu có dừng đỗ xe thì đừng hỏi là chưa biết! Chưa biết thì chủ nhà, chủ cửa hàng hay nhân viên phải truyền đạt lại cho khách nghiêm chỉnh thực hiện, bởi vì họ (chủ nhà, chủ cửa hàng...) là công dân Thủ đô, sống, làm việc tại một hoặc nhiều trong 56 tuyến phố văn minh thương mại, không có lý do gì mà họ không biết.
Ngoài ra, cũng phải tuân theo quy tắc của Phường sở tại, vì nhiều Phường có những tuyến đường "tự quản" do Đoàn thanh niên; Hội phụ nữ; Hội cựu chiến binh; Hội cán bộ hưu trí;... nhận trách nhiệm chăm nom.
Những tuyến đường tự quản này là bộ mặt, điểm nhấn, thành tích của các Hội, của Phường nên cấm buôn bán hàng rong, cấm chợ cóc chợ tạm, cấm lấn chiếm vỉa hè, cấm đổ rác bừa bãi hoặc không đúng giờ qui định, cấm dừng đỗ xe dưới lòng đường; treo cờ Tổ quốc, gắn biển số nhà đúng mẫu, đúng vị trí, kích thước.
Phường cũng đã gắn bảng thông báo ở đoạn đường, tuyến phố, đã tuyên truyền sâu rộng bằng các loa phát thanh lắp trên rất nhiều cột điện, phát tờ rơi, tờ cam kết được gửi tới từng căn hộ, từng cửa hàng, yêu cầu cửa hàng có mặt tiền gắn với mặt đường có trách nhiệm nhắc nhở khách hàng của mình.
Công an phường thường xuyên tuần tra nhắc nhở bằng loa trên xe tải chuyên dụng, nay tuyên truyền thêm bằng xe đạp. Tuyên truyền rồi mà không thực hiện thì chỉ nhắc một lần; lần thứ hai là xử phạt. Xông xáo bốc đồ, hốt xe đưa về phường xử lý, đáng khen cho các anh dân phòng - tự quản.
Chưa hết, việc dừng đỗ xe còn theo "lệ", đó là các cửa hàng, công ty kinh doanh ở mặt đường - bất thành văn, không cần biển báo - Cấm đỗ ôtô dưới lòng đường trước mặt hoặc che một phần cửa hàng cửa hiệu, cửa công ty, doanh nghiệp. Nhẹ nhàng, một là nhắc nhở; hai là lườm đểu; ba là chửi rủa; bốn là giở trò bẩn: dán/viết/vẽ/ bôi bẩn, khoá bánh, đặt gạch, vứt rác, quây xe, xì lốp; năm là oánh luôn...
Nói như vậy nhưng thực tế không phải những tuyến đường văn minh thương mại thì không cắm biển cấm dừng, đỗ hoặc cấm đỗ. Tương tự không phải đoạn đường tự quản là không cắm biển, mà những tuyến đường loại này đa phần đều đã được cắm biển cấm dừng hoặc cấm dừng đỗ, ngoài ra còn có các bảng thông báo của chính quyền địa phương, khác với biển báo theo hệ thống GTĐB được Luật GTĐB quy định.
Chỉ số ít trong những tuyến đường văn minh thương mại và/hoặc tự quản là chưa gắn biển báo ký hiệu 130, 131a mà thôi. Đó mới là rắc rối, vì: "không cắm biển báo cấm thì phải được đỗ xe" - người dân đều hiểu như vậy. Nhưng theo qui định từng địa phương, theo đó tuỳ tuyến đường mà có cấm dừng đỗ xe ở đoạn đường tự quản hay không. Còn đường văn minh thương mại là cấm đỗ mà không cần biết có biển báo 130, 131a hay không.
Vậy đấy việc đỗ ôtô tại các quận trung tâm của Hà Nội nhiều khi rất nhiêu khê, chỉ căn cứ vào biển báo thôi, chưa đủ, cần xem xét thêm 56 tuyến phố văn minh thương mại và đoạn đường tự quản.
Chúng ta không muốn bị phạt, bị mất thời gian thì cần biết luật và để ý hơn. Điều 19 Luật GTĐB quy định về quy tắc dừng đỗ xe trên đường phố nhưng phải tuân theo Điều 18. Mà điều 18, khoản 3 mục c, mục d nếu được các anh cảnh sát khó tính vin vào, vận dụng tài tình thì chúng ta gặp rắc rối to, thông thường "thua cả đấm lẫn vật": Đừng hỏi sao không có biển báo cấm mà em vẫn bị phạt!
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm
Bài viết do Lương Dũng biên tập
Liên hệ: luongdung@vnexpress.net