Năm 1920, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ John Broads Watson đã chọn một cậu bé 9 tháng tuổi tên Albert tiến hành nghiên cứu. Watson đã cho Albert tiếp xúc chuột bạch, thỏ trắng, khỉ... Cậu bé rất tò mò, dùng tay chạm vào chúng. Hai tháng sau, khi Albert định chạm vào chuột, Watson dùng búa đập vào thanh thép phía sau khiến Albert sợ hãi hét lên. Sau nhiều lần, cậu bé không còn chủ động chạm vào chuột nữa. Sau 5 ngày, Watson nhận thấy nỗi sợ chuột của cậu bé còn mạnh hơn trước, ngay cả những con vật có lông cũng làm cậu bé sợ hãi. Thí nghiệm này cho thấy hành vi của trẻ, bao gồm cả phản ứng cảm xúc, có thể được định hình thông qua việc tiếp thu.
"Nó cũng giống như một đứa trẻ không học tốt sẽ bị cha mẹ mắng", John Broads Watson kết luận.
Những đứa trẻ bị quát mắng mỗi khi học bài sẽ hình thành ấn tượng "Vì học mà bị bố mẹ mắng", từ đó trẻ sẽ ghét rồi sợ học. Cuối cùng việc học sẽ trở thành gánh nặng và trẻ muốn cự tuyệt với nó.
Nhiều bậc phụ huynh đang "cực khổ" trong việc quản lý việc học của con em mình. Một bà mẹ ở Trung Quốc đã đặt camera quanh nhà để theo dõi con gái 6 tuổi xem ngồi vào bàn học đúng giờ hay không. Nhiều lúc cô bé chăm chú học, một tiếng quát đột ngột vang lên từ chiếc loa thông minh: "Ngồi thẳng lưng", "Con đang đọc sách gì vậy? Sao lại xem phim hoạt hình". Màn giám sát này khiến cô bé sau đó bị khủng hoảng tâm lý và phải đến bệnh viện thăm khám.
Trong cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên trên đường phố Bắc Kinh, một học sinh tiểu học tên Duệ Duệ nói rằng cha cậu cũng đã cài đặt hệ thống camera giám sát trong phòng. "Thế là cháu chống cự bằng cách rút hết nguồn điện", cậu bé nói. Sau nhiều lần đấu tranh, cuối cùng cha của Duệ Duệ đã phải gỡ bỏ camera. Nguyên nhân do chiếc camera không những làm cho trẻ thích học hơn mà ngược lại còn phá hủy mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái.
Daniel, con trai của nữ diễn viên Hải Thanh (Trung Quốc) thường làm bài tập về nhà đến nửa đêm, thậm chí có thể học bài liên tục tám tiếng khi ngồi trên máy bay. Không chỉ thích học tập, Daniel còn là một cậu bé ưa thích thư pháp và hội họa. Cậu cũng từng giành 3 huy chương vàng về bơi lội và có thể viết chuyện khoa học viễn tưởng.
Đằng sau sự tự giác của cậu bé này là do bà mẹ có quan điểm nuôi dạy con độc đáo. Cô không kiểm soát tuyệt đối, cũng không buông bỏ hoàn toàn, việc giáo dục con cái quan trọng hơn là cha mẹ phải hướng dẫn. Phương pháp giáo dục của nữ diễn viên này là không quát mắng đánh đập con, mà luôn khích lệ để con có thể khẳng định rằng "Con đã không phụ sự mong đợi của mẹ".
Hải Thanh cho biết: "Đứa trẻ lớn lên như một cây non, sẽ đu đưa từ bên này sang bên kia vì gió. Vì vậy, cha mẹ nên đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của con, hướng dẫn và giúp đỡ trẻ lớn lên".
Nữ diễn viên là một bà mẹ rất biết cách "thể hiện sự yếu đuối". Cô luôn chủ động hỏi ý kiến con trai khiến cậu bé cảm thấy mình rất quan trọng. Khi mệt mỏi, cô sẽ tìm đến sự chăm sóc của con. 4 tuổi, Daniel đã làm việc nhà đơn giản bởi được mẹ nhờ vả. Hai mẹ con cùng nhau đi mua sắm và đi du lịch, cô cũng sẽ nhờ con trai xách giúp túi đồ và hành lý. Tuy còn nhỏ nhưng Daniel đã trở thành "người đàn ông" để cùng mẹ chia sẻ công việc nhà hàng ngày.
Nữ diễn viên này luôn ở bên và cùng con khám phá những lĩnh vực mới. Hải Thanh sẵn sàng đeo dây kính do Daniel làm dù trông nó rất kỳ quái. Cậu bé mê nhiếp ảnh, mẹ sẵn sàng làm người mẫu, rồi dùng chính những tấm ảnh đó làm hình nền cho máy tính và điện thoại. "Con muốn làm gì, mẹ rảnh rỗi, có thể làm cùng con." Đây là hành động cao đẹp nhất thể hiện sự quan tâm của người mẹ dành cho con trai.
"Nếu con không đạt được thành tích nào, chúng ta vẫn hạnh phúc cùng nhau. Nếu con đạt được thành tích, mẹ tự hào về con", Hải Thanh nói với con. Bởi sự dạy dỗ của mẹ nên Daniel luôn tìm thấy niềm vui bằng chính sự nỗ lực của mình. Cậu luôn mày mò khám phá những thứ mới mẻ vì không bị áp lực từ phía cha mẹ.
Một nhà xã hội học đã từng nói: "Trong giáo dục, để con cái từ chối bất cứ điều gì, hãy ép chúng làm trước đó". Điều này có nghĩa cha mẹ càng sử dụng ngoại lực thì tính ham học của trẻ càng suy giảm và mất dần động lực bên trong. Đánh đập, mắng mỏ sẽ chỉ làm trẻ phản kháng và chán nản, không đạt được hiệu quả giáo dục tích cực.
Thế nên hãy dùng tình yêu con để học thật chăm chỉ bài học làm cha mẹ, bài học tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, nhưng kết quả nhận được bao giờ cũng quý giá và tuyệt vời.
Vy Trang (Theo sohu)