Người giàu đọc sách, người nghèo xem TV. Câu nói này ý nói đọc rất quan trọng. Với nhiều người, đọc tiếng Việt đã khó, nên đọc tiếng Anh còn khó hơn. Bài viết này dành cho những bạn thích đọc, nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu.
1. Chọn tài liệu
Tài liệu đọc quá dễ sẽ không giúp bạn nâng cao khả năng, còn quá khó thì làm bạn nản lòng. Hãy áp dụng nguyên tắc 5 ngón tay (5 fingers rule). Mở một trang sách bạn định đọc và đếm số từ mới bạn gặp trong trang sách đó. Nếu có:
- 0 hoặc một từ mới: Tài liệu là quá dễ, bạn có thể lựa chọn tài liệu khó hơn để nâng cao khả năng đọc.
- 2 hoặc 3 từ mới: Tài liệu vừa sức.
- 4 hoặc 5 từ mới: Tài liệu khó, bạn nên chọn sách khác hoặc có người hướng dẫn hoặc đọc cùng.
2. "Learn to read" hay "read to learn"
Đọc là để học những điều mới (read to learn), do đó bạn có thể lập luận, kể cả tài liệu không có từ mới. Nếu học được kiến thức mới, việc đọc cũng hữu ích.
Tuy nhiên, nếu mục đích của bạn là nâng cao khả năng đọc (learn to read), hãy nhớ nguyên tắc 5 ngón tay ở trên để luôn thử thách mình và không ngại bất kỳ tài liệu đọc nào, kể cả phức tạp.
3. Xử lý từ mới
Một thói quen của nhiều người đọc là cứ thấy từ mới thì sốt sắng tra từ điển ngay. Việc này làm quá trình đọc bị vỡ nát và bạn khó tập trung "thưởng thức" tác phẩm. Vì vậy, khi thấy từ mới, hãy kiên nhẫn. Bạn cần phán đoán xem từ này có quan trọng để hiểu nghĩa không? Nếu không quan trọng, bạn có thể đánh dấu và bỏ qua. Nếu quan trọng, bạn phán đoán nghĩa của nó dựa trên ngữ cảnh và đánh dấu lại.
Những từ quan trọng sẽ lặp lại nhiều lần trong tài liệu và ở các ngữ cảnh khác nhau. Do đó, sau khi gặp lại từ đó một vài lần, cùng khả năng tự phán đoán, bạn hoàn toàn có thể tìm ra nghĩa của từ.
Nói tóm lại, đừng vội tra từ điển. Hãy cố gắng đọc hiểu (vì mỗi trang chỉ có 2-3 từ mới). Phần lớn trường hợp, bạn sẽ đoán trúng nghĩa của từ mà không cần tra từ điển. Bạn cũng cần lưu ý rằng có những từ có lẽ mình chỉ gặp 1-2 lần trong đời đọc sách và cũng chẳng cần dùng trong cuộc sống. Đừng đọc những từ đó.
4. Xử lý cấu trúc ngữ pháp phức tạp
Khi đọc tiếng Anh, bạn sẽ gặp những câu mà bạn biết (hoặc tra từ điển được), nhưng vẫn không thể hiểu nội dung. Ở trường hợp này, bạn nên dùng bút đánh dấu lại cả câu và tiếp tục đọc. Đôi khi, bạn có thể luận nghĩa sau khi tiếp tục đọc; đôi khi có thể bỏ qua một câu mà vẫn hiểu nghĩa của cả bài.
Nếu bạn đọc tiếp và vẫn không hiểu, hãy dùng Google Translate. Nếu may mắn, phần mềm này sẽ giúp bạn. Nếu không, bạn có thể hỏi các chuyên gia tiếng Anh câu này nghĩa là gì.
5. Nếu có thời gian, hãy thử dịch
Đôi khi, việc dịch Anh - Việt giúp bạn tập trung hơn trong khi đọc, mặc dù nó làm chậm quá trình. Nhưng thi thoảng, bạn có thể kết hơp kỹ năng đọc với dịch để đạt hiệu quả đọc cao nhất.
Quang Nguyen