"Tôi học tiếng Anh năm lớp 6 đến hết cấp III, mỗi năm một giáo viên dạy nhưng có đúng hai người nói tiếng Anh chuẩn. Tại sao tôi biết? Vì chỉ khi tôi vận dụng cách phát âm của hai giáo viên đó, phần mềm học tiếng Anh chấm là tôi nói đúng.
Khi lên đại học thì trình tiếng Anh cũng kém vì chỉ quan tâm đến đọc và viết chứ không thực hành nghe nói. Mà khổ nỗi toàn phát âm sai với nhau, mỗi giáo viên dạy phát âm một cách khác nhau nên... chẳng biết ai mới đúng.
Đến bây giờ con tôi học lớp một và hai đã học tiếng Anh nhưng... tôi không tin tưởng cô giáo lắm. Vì cô toàn mở file có sẵn lên cho học sinh tự nghe và đọc theo. Nhưng nhiều từ nghe qua loa tiếng không rõ thành ra con phát âm sai rất nhiều. Các con không được thực hành nghe nói, dạy kiểu cho có".
Độc giả nickname hoanghonmaudo2016 bình luận cho rằng giáo viên phát âm chưa chuẩn đang là một rào cản học tiếng Anh sau bài viết Học tiếng Anh 15 năm nhưng đồng nghiệp Philipines nghĩ 'mới học có 3 tháng'.
Cùng trăn trở về vấn đề trên, bạn đọc LQL nói:
"Con của họ hàng tôi phải học tiếng Anh trong trường cấp II với giáo viên dạy Toán, dù đó là một tỉnh giáp TP HCM. Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh là có thực, ai đời chịu đồng lương thấp khi họ có thể kiếm được nhiều hơn thế?
Vấn đề cốt lõi cần được quan tâm đó là số lượng và chất lượng giáo viên tiếng Anh. Sẽ ra sao nếu 5 năm tiểu học, học sinh đọc sai? Ai từng có con học Anh văn ở trung tâm đắt tiền sẽ biết họ dạy phát âm rất kỹ, có khi một tháng mới dạy được một âm và giáo viên đảm bảo tất cả học viên đều phát âm chuẩn.
Đó là tôi chưa kể đến thiết kế lớp học tiếng Anh bất hợp lý, giáo viên sẽ chẳng dạy được gì ở một lớp có hàng chục học sinh.
Tôi tự hỏi với cách học vẹt, học sinh phát âm sai hết thì sau này chúng dành bao nhiêu thời gian để chỉnh lại cho đúng đây? Thời gian ở đây là thời gian thực tế dành ra khi học tiếng Anh".
Độc giả xuahien chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh: "Tôi nhớ lại thuở mới sang Mỹ định cư. Tôi đang ký học ESL (English as Second Language), bạn học của tôi đến từ các nước châu Á, Âu, Nam Mỹ.
Theo nhận xét của giáo viên thì sinh viên người Việt Nam phát âm không được êm lắm, khô cứng, khó nghe khó hiểu. Các bạn người Đức, Pháp nói tiếng Anh giỏi nhất trong đám. Tôi nghĩ một phần là họ nói nhanh và lướt qua một số từ thay vì nói từng từ như người Việt Nam.
Tôi nhận ra một điều là khi tôi làm book report giúp tôi học được rất nhiều từ. Đọc một cuốn truyện, rồi viết nhận xét, bình luận tác phẩm, làm bài này trong khoảng 2-3 tháng. Trong thời gian làm bài, tôi phải tìm hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống trong thời gian tác phẩm nhắc đến, vân vân.
Ngoài ra tôi nhận ra rằng tôi đọc một bài thơ tiếng Việt nào đó thì tôi hiểu, nhưng kêu tôi nói lại bài thơ không nhìn chữ thì tôi không thể mặc dù đó là tiếng Việt, chỉ còn cách học thuộc lòng. Tôi nghĩ học nói tiếng Anh cũng tương tự như học thuộc lòng bài thơ tiếng Việt.
Có một câu ví dụ:
Peter could've bought a better butter.
Đọc là: Piđờ khútđờ bótđờ béđờ bớđờ.
Khi nói nhanh như thế, người Mỹ hiểu dễ hơn nói theo từng chữ".
Độc giả Nguyễn Ly cho rằng thời đại công nghệ, dễ tiếp cận với tài nguyên học tập nên muốn giỏi tiếng Anh phải học cách tự học, không lệ thuộc vào giáo viên: "Với công nghệ 4.0 thì không thể đổ lỗi hết cho giáo dục, mà phải tự học.
Tôi có hai con, một bé lớp 7 học tiếng Anh tạm ổn, nghe nói trung bình, vì lười, trong khi đứa nhỏ mới học lớp 5, rất thích tiếng Anh, siêng tự học ứng dụng giao tiếp miễn phí. Tôi tải khoảng 10 ứng dụng trên điện thoại nên cháu học lần lượt, rồi xem phim ngắn, hoạt hình bằng tiếng Anh nên em nghe nói trôi chảy, thi Cambridge luôn đạt điểm rất cao. Mặc dù hai bé đều đi học trung tâm giống nhau, lộ trình y như nhau, mà có khi em còn phải chỉnh lại phát âm cho chị. Tôi cũng không có ép học vì bé lớn không siêng, không có hứng thú, lúc nào cũng tỏ ra ngán ngẩm nên rất ít tiến bộ".
Độc giả Nguyen Tuong Vy tổng kết:
"Mục đích của ngôn ngữ là để truyền đạt thông tin và tiếp thu kiến thức, không phải để so bì nói hay viết tốt như bản địa. Ngôn ngữ đi tới đâu sẽ biến hóa để phù hợp với hoàn cảnh ở khu vực đó. Nếu bạn đã giao tiếp với người Singapore, Malaysia và người Philipines, bạn sẽ thấy họ phát âm không chuẩn, ngữ pháp cũng không chuẩn, có pha chút bản ngữ, nhưng họ không ngại nói và vẫn thành công trong truyền thông hàng ngày.
Tôi thấy rào cản lớn nhất của học ngoại ngữ qua kinh nghiệm bản thân là sợ nói sai, nói không giống người bản địa, sợ ng ta cười chê. Người học ngoại ngữ vốn từ không tệ, ngữ pháp nhiều khi nắm kỹ như người bản địa, giao tiếp qua chat và email thường không có vấn đề gì.
Chỉ khi vào môi trường giao tiếp nghe nói, tâm lý không tốt, môi trường nhiều tạp âm nên dễ bị rối. Để tránh bị rối, cần tập kỹ thuật giao tiếp để truyền đạt và thu được đc thông tin mình muốn. Thường, tôi sẽ nói chậm và nói rõ, và yêu cầu đối phương nói chậm lại chút, và đặt câu hỏi cho họ khi không hiểu rõ để xẻ nhỏ thông tin ra và xử lý từng chút một. Họ thường khá thông cảm và cố gắng giúp đỡ tôi. Từ từ tôi xây dựng tự tin và không ngại giao tiếp.
Tôi nghĩ đây là những kỹ năng cần được dạy cho người học ngoại ngữ bên cạnh trau dồi vốn từ hay mẫu câu. Dù cho đụng loại ngoại ngữ nào, họ cũng có một công thức chung để đạt được mục đích giao tiếp".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.