Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018. Theo đó, Việt Nam năm nay có 4 đại diện sở hữu tài sản tỷ đôla. Đó là Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương.
Ngay trước thời điểm Forbes công bố danh sách, thị trường đã có nhiều đồn đoán về những nhân vật có thể vào danh sách năm nay, tuy nhiên theo bản danh sách chính thức, chỉ có thêm hai cái tên mới được bổ sung, bên cạnh hai tỷ phú được công nhận trước đó.
Forbes chỉ công nhận thêm 2 tỷ phú đôla mới của Việt Nam, dù vẫn còn cá nhân có tài sản đạt ngưỡng này. |
Để có tên trong danh sách năm nay, phương pháp được Forbes lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 9/2/2018. Ngoài ra, Forbes cũng đánh giá nhiều tài sản khác bao gồm sở hữu tại các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền và nhiều loại tài sản khác. Tuy nhiên Forbes cũng thừa nhận "không biết hết sổ sách cá nhân của các tỷ phú, dù một số có cung cấp". Do đó, khi không có giấy tờ làm căn cứ, đơn vị này sẽ trừ vào tài sản ước tính.
Ngoài các tiêu chí định lượng về số cổ phần và giá cổ phiếu, Forbes cũng cho biết các phóng viên của tạp chí này trong năm sẽ đến gặp và phỏng vấn các ứng viên trong danh sách tỷ phú, cùng những người có liên quan như nhân viên, đối thủ, luật sư và các chuyên viên phân tích từ các công ty chứng khoán. Forbes cũng theo dõi những thỏa thuận mua bán tài sản, chuyển nhượng bất động sản, mua sắm các tác phẩm nghệ thuật của các ứng cử viên. Những việc này giúp xác định tính hợp lý của việc định giá tài sản.
Những tiêu chí định tính này có thể là nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt trong việc định giá tài sản của các tỷ phú, tạo ra sự khác nhau giữa Forbes và những đơn vị cùng công bố danh sách tỷ phú đôla.
Trong danh sách tỷ phú Việt Nam được Forbes bổ sung trong năm nay có một nhân vật khác với những người còn lại là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch của Thaco. Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, nhưng công ty này chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Một phần lớn trong số tài sản gần 1,8 tỷ USD của ông Dương căn cứ theo số cổ phần tại Thaco, tuy nhiên do công ty này chưa niêm yết nên việc xác định giá trị cổ phần phải sử dụng phương pháp khác.
Theo thông tin được Forbes công bố, để xác định giá trị của các công ty chưa niêm yết, đơn vị này sẽ sử dụng các phương pháp định giá như tỷ lệ giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) của các doanh nghiệp niêm yết có quy mô tương đương để từ đó đưa ra mức định giá với doanh nghiệp.
Ngoài ra, một điểm khác biệt khác là Chủ tịch của Thaco xuất hiện trong danh sách của Forbes năm nay không phải dưới danh nghĩa cá nhân mà là gia đình (Forbes đặt tiêu đề "Ba Duong Tran & family"). Điểm khác biệt này xuất phát từ cơ cấu sở hữu trong Thaco.
Theo báo cáo quản trị năm 2017 của Thaco, ông Dương và vợ là bà Viên Diệu Hoa đang sở hữu lần lượt 6,8% và 5,15% vốn của Thaco. Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất thuộc về Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trân Oanh, sở hữu 60,58%. Đây là công ty do bà Viên Diệu Hoa là người đại diện theo pháp luật và xuất hiện trong báo cáo quản trị ở phần công ty có liên quan đến ông Dương. Theo Forbes, trong trường hợp không thể tách rõ ràng quyền sở hữu của những thành viên trong gia đình thì danh xưng tỷ phú sẽ gắn liền với sở hữu chung, thay vì chỉ ở khía cạnh cá nhân.
Minh Sơn