2013 là năm đầu Việt Nam có một tỷ phú đôla Mỹ được Forbes ghi nhận. Đến nay, sau 4 năm, con số tỷ phú đã tăng lên 4 và có thể còn tăng cao hơn nữa trong tương lai.
4 tỷ phú đôla Việt Nam trong danh sách năm nay là người đứng đầu, đại diện cho nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, ngân hàng, hàng không, đến sản xuất thép và lắp ráp ôtô. Việc ngày càng xuất hiện tỷ phú ở nhiều lĩnh vực góp phần đa dạng hơn bức tranh kinh tế Việt Nam, vốn từng được World Bank đánh giá là "biến đổi ấn tượng" trong những năm qua.
Với ông Phạm Nhật Vượng, đây là năm thứ 6 liên tiếp ông có tên trong danh sách của Forbes, với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới, tăng 1,9 tỷ USD so với năm ngoái. Xây dựng, bán, xây dựng tiếp – điệp khúc tạo nên sự thành công đột phá của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản và của cá nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng hơn 17 năm từ ngày trở về Việt Nam. Tốc độ phát triển thần tốc trong mảng địa ốc đã đặt Vingroup ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực.
Sau khi trở thành tỷ phú USD của Việt Nam, hơn một lần ông Phạm Nhật Vượng khẳng định, mình không quan tâm có được bao nhiêu tiền. Thay vào đó, ông chủ Vingroup nói muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời và góp phần thay đổi bộ mặt đất nước một chút.
Thực tế ông không chỉ xây những tòa cao ốc ở Việt Nam. Một hệ sinh thái với trọng tâm là cuộc sống của người dân, đã được tập đoàn này gầy dựng và tạo được sức ảnh hưởng lớn. Khách hàng giờ sẽ được sống trong một loạt tiện ích, ở trong nhà của Vinhomes, mua đồ từ Vinmart, đi học ở Vinschool, khám bệnh ở Vinmec, đi chơi ở Vinpearl… và sắp tới còn là đi xe VinFast, xem phim hoạt hình VinTaTa.
Vingroup đã trở thành một tập đoàn có giá trị vốn hóa 260.000 tỷ đồng, tương đương hơn 11,4 tỷ USD, với hàng chục nghìn lao động làm việc.
Năm 2017, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 90.000 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2016, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.900 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận có thể đến từ lĩnh vực cốt lõi là bất động sản. Cuối năm 2016, Vingroup tuyên bố chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận để tái đầu tư nhằm liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống.
Market Watch trích báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth cho thấy, giai đoạn 2007 - 2017, tốc độ tăng trưởng tài sản tại Việt Nam là 210% - cao nhất thế giới. Con số này 10 năm tới được dự báo là 200%. Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank năm 2017 cũng cho biết, Việt Nam có 200 người siêu giàu, tăng 30 người so với năm trước đó. Và trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người. Chi phí lao động thấp và lực lượng lao động chuyên môn hóa cao là chìa khóa đưa Việt Nam lên top đầu chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, đồng thời thu hút lượng FDI lớn. Tăng trưởng kinh tế cũng được dự báo sẽ tiếp tục tích cực khi những nền tảng vĩ mô dần ổn định. |
Người thứ 2 được Forbes công nhận tỷ phú USD ở Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766 thế giới trong năm 2018. Trái với vẻ ngoài nhỏ nhắn và tính cách của một người yêu ca hát, bà Thảo trên thương trường lại là người đàn bà thép, giữ ghế nóng ở những cái tên đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Là thành viên sáng lập, kiêm Tổng giám đốc của Vietjet, bà Thảo là một trong những nhân tố quan trọng đưa hãng bay này trở thành đối thủ sừng sỏ “chia lại” thị phần trên bầu trời với Vietnam Airlines, điều mà không ít hãng bay khác từng cố thử nhưng không thành công.
Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2011, Vietjet chỉ mất 6 năm để trở thành hãng hàng không đứng đầu thị trường với mức độ nhận diện thương hiệu hơn 90%. “Chúng tôi muốn mình là một Emirates của châu Á", bà Thảo nói với Bloomberg trong bài phỏng vấn đầu năm 2016. Định hướng là hãng hàng không giá rẻ, Vietjet góp phần đưa việc di chuyển bằng đường hàng không trở thành một cách thức di chuyển phổ biến. Giá vé cho chặng bay phổ biến nhất Hà Nội – TP HCM thậm chí còn thấp hơn các phương thức di chuyển khác, trong khi thời gian bay chưa tới 2h.
Trong quý gần nhất, doanh thu vận chuyển hành khách của Vietjet đã vượt mốc 4.000 tỷ đồng với đội bay đạt đến cuối năm 2017 là 52 chiếc. Vietjet cũng vừa nhận chiếc Airbus A321 NEO đầu tiên trong lô hàng 42 chiếc, dòng máy bay thế hệ mới tiết kiệm 15% nhiên liệu.
Hai tỷ phú vừa được Forbes công nhận năm nay là Trần Bá Dương và Trần Đình Long, với tài sản lần lượt 1,8 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.339 và 1.766 thế giới - những doanh nhân này đều đi lên từ sản xuất.
Ông Trần Đình Long là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hòa Phát, từng được ví như "vua" thép ở Việt Nam. Khởi đầu với một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt lấn sân sang nhiều lĩnh vực, từ nội thất (1995), ống thép (1996), thép (2000), điện lạnh (2001) và gần nhất là bất động sản rồi mới đây là cả nông nghiệp. Nhưng dù trở thành công ty đa ngành, phần lớn kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn đến từ sản phẩm cốt lõi là thép xây dựng và ống thép.
Không thích ồn ào, ông Long ít khi xuất hiện trên báo chí. Cổ đông của Hoà Phát chỉ nhìn thấy vị chủ tịch trong cuộc họp thường niên hàng năm. Ông Long, dù chỉ gặp một lần mỗi năm, cũng có thể nhớ mặt những cổ đông ấy đã đồng hành cùng doanh nghiệp như nào.
Vẻ ngoài khá bình tĩnh nhưng vị tỷ phú được Forbes công nhận là một người quyết liệt và dứt khoát trong các quyết định. Không ít lần cổ đông Hòa Phát tranh cãi gay gắt với ban lãnh đạo về kế hoạch kinh doanh và chế độ thù lao nhưng những bất đồng thường được giải quyết êm ái ngay sau những lời giải thích cặn kẽ của người đứng đầu Hòa Phát Trần Đình Long.
Năm 2017, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 46.800 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử khi đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước. Cổ phiếu của Hòa Phát, nhờ vậy, đã ghi nhận đà tăng mạnh chỉ trong 3 tháng gần đây. Và điều này cũng là yếu tố giúp ông Long xuất hiện trong danh sách của Forbes, khi vị chủ tịch này đang sở hữu hơn 380 triệu cổ phiếu HPG.
Trong khi đó, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco có lẽ là điểm khác nhất so với 3 vị tỷ phú trên.
Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), do gia đình ông Dương sở hữu hơn 70% vốn là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khác với những vị tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động hàng ngày như giá cổ phiếu trên thị trường.
Không hay nói về những khối tài sản khổng lồ có lẽ là điểm chung giữa những tỷ phú trong danh sách năm nay, ông Dương cũng không phải là ngoại lệ. Ông Dương thành lập Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) năm 1997. Ban đầu, họ bán xe, sau đó dần lắp ráp xe cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot. Năm 2016, Thaco trở thành hãng ôtô lớn nhất Việt Nam, với 32% thị phần, theo Forbes.
Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, doanh nghiệp này đã chọn Mazda và Kia là hai thương hiệu để liên doanh, bởi đều chưa có nhà máy lớn ở khu vực, không bị cạnh tranh đồng thời có tương lai xuất khẩu. Lựa chọn lắp ráp với chiến lược định giá thấp hơn đối thủ, Trường Hải đã nhanh chóng trở thành là gã khổng lồ trong ngành, với thành công ở hai phân khúc xe thương mại và xe con. Ngoài ra, Thaco còn sản xuất xe Bus thương hiệu Việt và xe tải.
Theo báo cáo tài chính quý gần nhất, tổng tài sản của Trường Hải đạt hơn 55.500 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 17.000 tỷ đồng. Trên thị trường không chính thức (OTC), những lệnh chào mua cổ phiếu Thaco được đặt trong khoảng từ 65.000 đến 69.000 đồng, tương đương với vốn hóa ước tính nếu doanh nghiệp này lên sàn gần 5 tỷ USD.
Một điểm thú vị giữa Thaco và Vingroup - hai doanh nghiệp đứng đầu trên VNR500 là trong khi Thaco bắt đầu đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản với việc nắm quyền kiểm soát Công ty Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh thì Vingroup cũng bắt đầu tiến vào lĩnh vực ôtô với việc thành lập VinFast.
Minh Sơn