Chị đọc cho tôi nghe thông báo vừa nhận được và nói, ban quản lý tuyên bố sẽ ngừng dịch vụ từ 15h chiều cùng ngày đối với các gia đình còn treo băng rôn và có các hành vi phản đối chủ đầu tư.
Tòa nhà Lan ở, nằm tại một quận trung tâm ở Hà Nội, đã đi vào hoạt động được ba năm, nhưng chưa có đơn vị vận hành hợp pháp. Bất chấp sự phản đối của cư dân, chủ đầu tư dựng lên một đơn vị vận hành tạm thời làm ban quản lý, qua đó áp đặt phí dịch vụ cao hơn quy định ban đầu trong hợp đồng mua bán. Không thống nhất được về đơn vị vận hành, mâu thuẫn về chất lượng, cách đo diện tích căn hộ khi bàn giao, nên cư dân và chủ đầu tư xảy ra nhiều tranh chấp. Chủ đầu tư, thông qua ban quản lý, vì thế cứ vài ba ngày lại ra một thông báo thách thức sự kiên nhẫn của cư dân. Lần này, họ đòi cắt điện, nước.
"Cư dân đóng tiền điện nước đầy đủ. Họ lấy đâu ra cái quyền đó?", Lan giận dữ kết thúc câu chuyện, trước khi hẹn tôi về một buổi làm việc khác.
Tôi nhớ đến chuyện của Lan khi theo dõi cuộc tranh luận đang diễn ra về một nội dung tại Điều 34 trong Dự thảo Luật Thủ đô 2023. Hà Nội cũng đề xuất cắt điện nước các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, vi phạm về đất đai, xây dựng, phòng cháy.
Những địa điểm bị đề nghị cắt điện nước gồm công trình xây dựng không phép, trái phép; vi phạm trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Chủ thể liên đới trong câu chuyện của Lan và trong vấn đề đang gây tranh luận tại dự thảo Luật Thủ đô là khác nhau, nhưng chúng ta có thể thấy sự tương đồng nhất định về cách thức xử lý và những hệ lụy đi kèm.
Cách đây ba năm, tôi từng theo dõi các ý kiến của đại biểu quốc hội, thảo luận Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 về việc có được phép cắt điện, nước với các hành vi phạm hành chính hay không. Luật cuối cùng được thông qua mà không có biện pháp này.
Tôi cho rằng, việc đưa biện pháp này vào dự thảo Luật Thủ đô sắp tới cũng là điều rất cần cân nhắc, bởi những lý do sau.
Thứ nhất, không có cơ sở pháp lý rõ ràng để áp dụng biện pháp cắt điện, nước khi xử lý vi phạm hành chính. Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay không có điều khoản yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Như vậy, nếu được thông qua, Luật Thủ đô sẽ xung đột với Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai là không nên hành chính hóa các quan hệ dân sự. Các vi phạm hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy cần có giải pháp xử lý triệt để. Nhưng cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Các quan hệ nên cần rành mạch, việc gì ra việc đó. Dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự là sự can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự.
Lý do thứ ba liên quan đến quyền được đảm bảo tiếp cận dịch vụ thiết yếu của con người. Điện, nước là hàng hóa quan trọng đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người dân. Áp dụng biện pháp này, người chịu thiệt hại đầu tiên và trực tiếp chính là những cư dân sống trong các công trình vi phạm. "Quýt làm, cam chịu" là hệ quả có thể nhìn thấy rõ nếu biện pháp này được chấp thuận.
Dưới góc độ pháp lý, tôi không cho rằng cơ quan chức năng lại bế tắc, thiếu công cụ và chế tài xử lý vi phạm đến mức phải viện đến một phương pháp cũ. Theo tôi, cần căn cứ vào hành vi sai phạm cụ thể để giải quyết theo quy định pháp luật chung. Công trình xây dựng vi phạm có thể bị đập bỏ; doanh nghiệp vi phạm có thể bị rút giấy phép kinh doanh. Ai làm nấy chịu, nhà chức trách không thể vì chọn việc dễ về mình mà vô tình gây tổn hại đến quyền lợi của người dân.
Cơ quan nhà nước có đủ quyền lực, công cụ thực thi pháp luật, việc trao thêm quyền để tác động đến các mối quan hệ dân sự sẽ có thể dẫn đến lạm quyền.
Phạm Thanh Tuấn